BĐS Loạt "ông lớn" địa ốc Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh... cùng HoREA kiến nghị 10 vấn đề "giải cứu" thị trường bất động sản

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,064
12
38
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra một số thông tin về cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản vào ngày 8/11 tại hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.

Trong đó, cuộc họp tại TP.HCM do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, HoREA và 19 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phía Nam.

Còn Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ở Hà Nội với sự tham gia của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và khoảng 15 chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.

Ông Châu cho biết, thông tin về hai cuộc họp đã tác động rất tích cực, làm tăng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư.

Theo ông Châu, hiện nay thị trường bất động sản rất khó khăn và các doanh nghiệp đã chỉ thẳng 10 vấn đề cũng như đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Vấn đề thứ nhất, ông Châu cho biết, vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất. Nhưng gỡ điểm vướng này cần phải có thời gian, mà giải pháp lớn nhất là phải hoàn thành sửa đổi Luật đất đai 2013 và một số luật liên quan.

Do vậy, ông Châu cho rằng 19 tháng tới đây, trong lúc chờ Luật đất đai và một số luật liên quan có hiệu lực, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11-2022 dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.

Đồng thời, sửa đổi nghị định 100 và nghị định 49 để tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội…

Vấn đề thứ hai, ông Châu cho hay, thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm). Thậm chí làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

"Có nguyên nhân do một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định", Chủ tịch của HoREA cho biết.

Theo ông Châu, doanh nghiệp đề xuất đi đôi với việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Vấn đề thứ ba, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập "ban công tác đặc biệt" hoặc "tổ công tác đặc biệt" để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình. Làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường, trong đó có 64 dự án tại TP.HCM theo chủ trương "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự" và thực hiện "thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực".

Các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính bao gồm cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước để cho dự án được tiếp tục triển khai.

Vấn đề thứ tư, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Vấn đề thứ năm, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý (đất công) nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại để tháo gỡ “ách tắc” của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.

Vấn đề thứ sáu, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng tương tự nghị quyết 42 của Quốc hội, cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất để tạo điều kiện tái khởi động các dự án "trùm mền" giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.

Vấn đề thứ bảy, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã tạm nộp tiền sử dụng đất hoặc đang được rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung để cho doanh nghiệp hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước.

Điều này giúp tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho doanh nghiệp, đồng thời để người mua nhà sớm được cấp giấy chứng nhận (sổ hồng).

Vấn đề thứ tám, ông Châu cho hay các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.

Vấn đề thứ chín, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định; đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Vấn đề thứ mười, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Link bài gốc: Loạt "ông lớn" địa ốc Novaland, Him Lam, Hưng Thịnh... cùng HoREA kiến nghị 10 vấn đề "giải cứu" thị trường bất động sản
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,128
Bài viết
63,348
Thành viên
86,023
Thành viên mới nhất
linkwinvnn

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN