KT-XH Sắp thay thế văn bản quy định “rường cột” phân loại nợ ngân hàng

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
TIN MỚI

Ngân hàng Nhà nước vừa có dự thảo thông tư thay thế Thông tư 02 về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

TẠO THUẬN LỢI HƠN TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Thông tư 02 ban hành năm 2013, tạo một cơ chế mới và chặt chẽ, có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống giai đoạn trước. Cơ quan xây dựng cơ chế này và các thành viên thị trường, giới chuyên gia từng nhiều lần thảo luận về thông tư này trước khi áp dụng, có những lần giãn lộ trình áp dụng vì tính chặt chẽ và mức độ ảnh hưởng của nó, cũng như do giai đoạn ban hành hệ thống có hiện tượng "quá tải" sau khi nợ xấu nổi lên từ năm 2011.

Một trong những điểm nổi bật của Thông tư 02 là mở rộng vùng nhận diện nợ xấu để thực hiện phân loại tài sản có, tương ứng là cơ chế trích lập dự phòng… Trong đó, việc áp dụng kết quả trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để phân nhóm nợ là cơ chế mới có tính quyết liệt và ảnh hưởng lớn.

Cụ thể, Thông tư 02 quy định TCTD tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do CIC cung cấp tại thời điểm phân loại để điều chỉnh kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng. Trường hợp nợ và cam kết ngoại bảng của khách hàng được phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro thấp hơn nhóm nợ theo danh sách do CIC cung cấp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải điều chỉnh kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo nhóm nợ được CIC cung cấp.

Lần này, sau 7 năm thực hiện Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch có thông tư khác thay thế. Tuy nhiên, về cơ bản các quy định của Thông tư 02 vẫn được giữ lại để tiếp tục thực hiện.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tiễn triển khai quy định tại Thông tư 02 trong những năm qua, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như phản ánh của các đơn vị về những bất cấp giữa quy định tại Thông tư 02 và các quy định của pháp luật có liên quan.

Từ các lý do trên, việc ban hành thông tư thay thế Thông tư 02 là cần thiết, tạo thuận lợi cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Cụ thể, dự thảo thông tư mới được xây dựng dựa trên các định hướng sau:

Một là, rà soát giữ lại các quy định còn phù hợp tại Thông tư 02 và bãi bỏ một số quy định đã hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp do đã được sửa đổi, bổ sung bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hai là, sửa đổi, bổ sung/bãi bỏ một số quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

Ba là, các nội dung quy định tại dự thảo thông tư đảm bảo rõ ràng, minh bạch, giúp các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài dễ dàng thực hiện.

PHÂN LOẠI NỢ MỖI THÁNG MỘT LẦN, KHÔNG BÁO KHÁCH HÀNG KHI DÙNG DỰ PHÒNG XỬ LÝ RỦI RO

Như trên, về cơ bản các quy định của Thông tư 02 được giữ lại và chuyển tiếp trong dự thảo thông tư mới. Ngân hàng Nhà nước có sửa đổi, bổ sung thêm một số điểm, trong đó có liên quan đến quy định của Bộ Tài chính về tài sản đảm bảo là các chứng khoán…

Có một điểm được chú ý, dự thảo thông tư mới nêu hướng sửa đổi, bổ sung thời điểm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng từ mỗi quý thành mỗi tháng một lần.

Dự thảo thông tư mới cũng bổ sung quy định về trách nhiệm không được thông báo cho khách hàng khi sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và trường hợp khoản nợ đã được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đã được bán cho phù hợp với thực tế và đảm bảo chặt chẽ.

Tại Điều 17, dự thảo thông tư quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với việc xử lý rủi ro.

Theo đó, việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là công việc nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ được xử lý rủi ro.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được thông báo cho khách hàng về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro. Sau khi xử lý rủi ro, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải theo dõi, có các biện pháp thu hồi nợ đầy đủ, triệt để đối với khoản nợ được xử lý rủi ro, trừ trường hợp khoản nợ sau khi xử lý rủi ro được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán cho tổ chức, cá nhân, thu được đầy đủ tiền bán theo Hợp đồng mua bán nợ và bên mua nợ không có quyền truy đòi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Sau thời gian tối thiểu 05 (năm) năm, kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp của hội đồng xử lý rủi ro để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và phải theo dõi trong hệ thống quản trị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ.

Quy định trên loại trừ các khoản nợ mà khách hàng là pháp nhân đã phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật và sau khi thanh lý, xử lý toàn bộ tài sản hoặc khách hàng là cá nhân chết mà người thừa kế không nhận nợ theo quy định của pháp luật, hoặc khách hàng là cá nhân bị tuyên bố mất tích theo quyết định của tòa án.

Lợi nhuận nghìn tỷ, ngân hàng vẫn lo nợ xấu

BizLive

Link bài gốc: Sắp thay thế văn bản quy định “rường cột” phân loại nợ ngân hàng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,172
Bài viết
63,391
Thành viên
86,407
Thành viên mới nhất
top1like1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN