KT-XH Những chính sách dự kiến của ông Biden và hàm ý đối với Việt Nam

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38


  • Tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ từ 1,5% (kịch bản tiêu cực) đến 3% (kịch bản cơ sở) và có thể đạt khoảng 4% (kịch bản tích cực nhất).

    Tại: Chuyên gia dự báo nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm sau


  • Tùy theo diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống, kinh tế Việt Nam năm 2020 theo kịch bản cơ sở có thể đạt mức tăng trưởng 3%

    Tại: Cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020

Là một siêu cường về kinh tế, quân sự, khoa học – công nghệ và ngoại giao nên mọi sự thay đổi của nước Mỹ, đặc biệt là bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động quan trọng đến cục diện chung của thế giới, khu vực, và các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, nhiều giá trị, chính sách của Mỹ đã thay đổi lớn, ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế - chính trị thế giới và nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực khác.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2024, được thế giới trông đợi vào những biến chuyển tích cực đối với các vấn đề quốc tế, trở lại với trách nhiệm và vai trò vốn có của nước Mỹ như giai đoạn trước nhiệm kỳ của ông Trump. Đến nay, mặc dù Ủy ban bầu cử chưa công bố kết quả cuối cùng, song hầu hết các hãng truyền thông lớn đều đã đưa tin về việc ông Biden đã giành chiến thắng. Trong trường hợp ông Biden thắng cử, với các chính sách dự kiến được triển khai trong nhiệm kỳ tổng thống của ông cần sớm được nghiên cứu sâu để có thể chủ động điều chỉnh, ứng biến kịp thời, vừa tăng cường hợp tác song phương có hiệu quả với Mỹ, vừa phát triển kinh tế trong nước kết hợp bảo vệ các giá trị, lợi ích cốt lõi của mỗi quốc gia.

Với mục đích nhận định, phân tích nhằm đưa ra khuyến nghị trong hoạch định chính sách, chiến lược và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2030,
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện Báo cáo "Những chính sách dự kiến của ông Biden và hàm ý đối với Việt Nam". Báo cáo tập trung vào 2 nội dung chính: (i) Những điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế, chính sách kinh tế và chính sách then chốt khác của ông Biden; và (ii) Dự báo, đánh giá ban đầu về tác động của các chính sách này đối với Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ, chủ yếu dưới góc độ kinh tế.

Những điểm quan trọng trong chính sách của ông Biden

Chính sách kinh tế, thương mại và đối ngoại của ông Biden về cơ bản đều hướng đến đảm bảo và gia tăng lợi ích của nước Mỹ, có nhiều điểm khác với Tổng thống Trump, cụ thể như sau:

Chính sách đối ngoại:

Khác với Tổng thống Trump hướng tới việc từ bỏ gánh nặng quốc tế, giảm bớt sự can thiệp ở bên ngoài để tập trung nâng cao sức mạnh nội địa, coi "nước Mỹ là trước tiên" (America First), từ đó tạo ra một nước Mỹ mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hành động để bảo vệ những lợi ích quốc gia cốt lõi; ông Biden muốn khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, cam kết mở ra "làn sóng thần" thay đổi trong cách nước Mỹ xử lý các vấn đề quốc tế. Theo đó, ông Biden cam kết: (i) Khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế; (ii) Ủng hộ mạnh mẽ các mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là NATO; coi đây là "liên minh chính trị, quân sự hiệu quả nhất trong lịch sử hiện đại"; (iii) Giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc thông qua các giải pháp và nỗ lực liên minh quốc tế để gây sức ép thay vì áp thuế đơn phương; (iv) Nối lại quan hệ và khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong các tổ chức quốc tế như WHO, có thể tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…v.v.

Chính sách thương mại quốc tế

Định hướng chính sách thương mại của Mỹ dưới thời ông Biden sẽ là trở lại vai trò, vị thế trong toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, tiên phong trong việc kiến tạo các quy tắc thương mại toàn cầu, hạ thấp, giảm bớt các rào cản cho hoạt động thương mại toàn cầu (theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ - CFR, tháng 8/2020). Trong đó, các định hướng, chính sách thương mại quốc tế đáng chú ý, có thể tác động lớn tới hoạt động thương mại toàn cầu và các đối tác gồm 4 nội dung cơ bản:

(i) Chú trọng vào việc kiến tạo sân chơi bình đẳng cho người lao động và bảo vệ môi trường. Cụ thể, nước Mỹ sẽ chỉ tham gia các thỏa thuận thương mại có tiêu chí đầu tư lớn cho việc làm, cơ sở hạ tầng, có những điều khoản bảo vệ người lao động và môi trường…v.v.; (ii) Trở lại và phát huy vai trò tiên phong – lãnh đạo vốn có trong xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại để thúc đẩy các quốc gia thực thi nghiêm túc hơn các luật và quy định thương mại hiện hành, Mỹ cũng có thể sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả các quốc gia phá vỡ quy tắc thương mại, đánh cắp tài sản trí tuệ của nước Mỹ; sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế của nước Mỹ để đàm phán các thỏa thuận có lợi hơn.

(iii) Có thể xem nối lại các thảo thuận, Hiệp định thương mại đa phương và các chương trình hợp tác quốc tế quan trọng như: Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trở lại đàm phán gia nhập TPP (nay là CPTPP), nối lại hợp tác với Liên minh châu Âu...v.v.

(iv) Đối với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính sách của Mỹ sẽ hướng tới thúc đẩy Trung Quốc thực hiện các cam kết quốc tế hơn là chỉ thực hiện các chính sách mang lại lợi ích cho Mỹ (như áp thuế dưới thời Tổng thống Trump), bằng cách thông qua các liên minh, đồng minh quốc tế để gây sức ép hiệu quả hơn.

Với những chính sách dự kiến như trên, cách tiếp cận sẽ ổn định hơn, minh bạch, thận trọng, có kế hoạch và dễ đoán hơn; và qua đó, dự kiến sẽ có tác động tích cực đối với kinh tế thế giới, thương mại quốc tế nói chung, đối với kinh tế Mỹ và hầu hết các đối tác nói riêng. Đồng thời, việc Mỹ cam kết sẽ tham gia mạnh mẽ hơn với vai trò đầu tàu trong các tổ chức quốc tế như WHO, WTO…; từ đó, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy cho nhiều nước nhỏ hơn trong các tranh chấp thương mại với các cường quốc kinh tế.

Về chính sách kinh tế

Với cương lĩnh "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (Build back better), định hướng chính sách kinh tế lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông Biden sẽ là "An ninh kinh tế cũng là an ninh quốc gia" (theo CFR, tháng 8/2020). Trong đó, chính sách kinh tế và ngân sách của Mỹ sẽ tập trung cho cải cách thuế, hỗ trợ phát triển tầng lớp trung lưu, phát triển các sản phẩm của Mỹ, đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu của Mỹ (bao gồm cả việc đầu tư nhiều hơn cho công nghệ). Cụ thể như sau:

(i) Tập trung khôi phục và hỗ trợ phát triển tầng lớp trung lưu, thúc đẩy áp dụng mức lương tối thiểu 15 USD/giờ như là một bước đi quan trọng trong việc thiết lập an ninh kinh tế Mỹ. Chính sách đối với tầng lớp trung lưu để khắc phục những tồn tại hiên nay của kinh tế Mỹ khi "thỏa thuận với người lao động đã bị phá vỡ và những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, gia tăng bất bình đẳng và khoảng cách giàu – nghèo" (khiến tầng lớp trung lưu ngày một thu hẹp hoặc cảm thấy không hài lòng).

(ii) Bãi bỏ ưu đãi giảm thuế và tăng thuế đối với một số đối tượng: chính sách mới của ông Biden có vẻ đi ngược lại với những gì Tổng thống Trump đã làm; đó là, dự kiến bãi bỏ các ưu đãi giảm thuế cho nhóm cá nhân giàu có nhất; tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng giàu có; tăng phúc lợi cho tầng lớp trung lưu (ví dụ: ưu đãi thuế cho những gia đình có con nhỏ,…). Cụ thể, chính quyền mới có thể sẽ: (i) tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% (ngược lại với chính sách cắt giảm thuế 2017, từ 35% xuống 21%); (ii) tăng thuế suất tối thiểu đối với lợi nhuận mà các doanh nghiệp Mỹ thu được từ các công ty con ở nước ngoài; (iii) đảo ngược chính sách cắt giảm thuế đối với nhóm cá nhân có thu nhập hơn 400 nghìn USD/người/năm; đánh thuế lợi nhuận và cổ tức đối với nhóm cá nhân có thu nhập hơn 1 triệu USD/người/năm.

Chính sách thuế này dự kiến có 3 tác động chính: (i) tăng nguồn thu ngân sách để có thêm nguồn chi cho các mục tiêu đầu tư như CSHT, y tế, an sinh xã hội và ngân sách không bị thâm hụt nhiều; tuy nhiên, (ii) có thể sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài vào Mỹ và đầu tư của Mỹ ra bên ngoài (do bị đánh thuế cao hơn); (iii) không loại trừ tác dụng ngược, đó là những đối tượng chịu thuế suất cao hơn sẽ tìm cách trốn thuế…v.v.

(iii) Về kế hoạch "dùng hàng hóa Mỹ" (Buy American) trị giá 700 tỷ USD. Kế hoạch này tập trung vào phát triển hàng hóa sản phẩm được thiết kế và sản xuất và được thực hiện theo 2 nhóm chính sách: cung cấp gói 400 tỷ USD cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với thời hạn 4 năm và gói 300 tỷ USD cho nghiên cứu, phát triển năng lượng sạch và công nghệ khác. Kinh phí thực hiện kế hoạch này được lấy từ nguồn thu thuế sau khi bãi bỏ các khoản ưu đãi cắt giảm thuế.

(iv) Về kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, dự kiến, ngân sách Mỹ sẽ dành ra 1,7 nghìn tỷ USD (cũng từ việc bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế năm 2017) đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng mới và năng lượng sạch, trong đó chú trọng sử dụng công nghệ Mỹ nhiều hơn.

(v) Chính sách phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ người lao động được tập trung vào các giải pháp, cải cách lớn đối với nền giáo dục và tăng cượng sức bật của người lao động, gồm: thúc đẩy việc miễn học phí trong đào tạo nghề, cao đẳng cộng đồng và đại học công lập với thời hạn 4 năm nhằm thích ứng đối với các ngành kinh tế đang chịu tác động của cuộc cách mạnh công nghệ và tự động hóa; cấm các quy định chống sự cạnh tranh; chấm dứt chính sách giữ bí mật mức lương và nâng mức lương tối thiểu từ 7,25 USD/giờ (giai đoạn 2010-2020) lên 15 USD/giờ.

(vi) Triển khai mạnh mẽ hơn và áp dụng nhiều biện pháp chống độc quyền hơn trong quản lý các công ty thống trị một lĩnh vực cụ thể (ví dụ: Facebook…).

Bên cạnh đó, một số chính sách quan trọng khác liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, có thể nới lỏng chính sách nhập cư hơn, và chăm sóc y tế dự báo cũng sẽ có những điều chỉnh quan trọng, cụ thể như dưới đây:

- Một số chính sách ứng phó biến đổi khí hậu: (i) cải tổ toàn bộ ngành năng lượng; (ii) Đặt mục tiêu giảm lượng phát thải trong sản xuất điện năng xuống 0% vào năm 2035.

- Chính sách nhập cư: (i) Hỗ trợ những người nhập cư trái phép trở thành công dân Mỹ; (ii) Thay đổi cơ chế trục xuất đối với nhóm người nhập cư không có giấy tờ hoặc có tiền án.

- Chính sách chăm sóc y tế: (i) Coi chính sách chăm sóc y tế là ưu tiên hàng đầu; (ii) Tập trung vào ứng phó, kiểm soát dịch Covid-19 (sớm thành lập đội ngũ chuyên gia, cố vấn và tác nghiệp về kiểm soát dịch nay); (iii) Cho phép người dân lựa chọn tham gia một chương trình bảo hiểm y tế công tương tự như Medicare; (iv) Mở rộng đối tượng hưởng chính sách theo Đạo luật Chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng – ACA (qua đó tăng lượng người tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế)…v.v.

Các chính sách dự kiến này rõ ràng có thể góp phần giải quyết các tồn tại hiện nay của Mỹ, nhưng cũng sẽ tăng gánh nặng ngân sách, tăng rủi ro đạo đức (lạm dụng chính sách), nếu không được triển khai hiệu quả.

Đánh giá, dự báo tác động của các chính sách thời ông Biden tới Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định sẽ có 5 tác động quan trọng đối với kinh tế Việt Nam.

Một là, việc chính quyền dưới thời ông Biden quyết tâm phòng chống dịch Covid-19 tốt hơn, nếu hiệu quả, sẽ tạo điều kiện sớm mở cửa, khai thông thương mại, đầu tư, đối ngoại, du lịch và các hoạt động hợp tác khác với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng một cách thuận lợi hơn, qua đó, góp phần vào tiến trình thực hiện mục tiêu kép của các quốc gia và Việt Nam.

Hai là, việc chính sách của chính quyền mới được dự báo có tính ổn định hơn, ôn hòa hơn sẽ giúp tâm lý các nhà đầu tư và doanh nghiệp của thế giới nói chung và Việt – Mỹ nói riêng tăng lên, qua đó thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai bên.

Ba là, chính sách "dùng hàng hóa Mỹ" sẽ đòi hỏi doanh nghiệp Việt nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển sản phẩm mới khi có kế hoạch xuất khẩu sang Mỹ. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ cũng sẽ phải thay đổi cách thức tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm sang Mỹ khi các yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vẫn rất nghiêm ngặt và đòi hỏi sự khác biệt, chất lượng cao hơn so với các sản phẩm sản xuất nội địa Mỹ, trong khi vẫn phải cạnh trạnh với hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu sang Mỹ.

Bốn là, việc Mỹ nhiều khả năng trở lại đàm phán tham gia CPTPP và/hoặc đẩy mạnh hơn hợp tác thương mại đa phương sẽ tạo ra nhiều cơ hội lớn hơn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đa dạng hóa thị trường. Ngoài ra, bên cạnh chương trình hợp tác song phương Việt – Mỹ, CPTPP có sự tham gia của Mỹ cũng sẽ là biện pháp tốt giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, nâng cao hiệu quả hợp tác giải trình và thống nhất thông tin thống kê và cách tính liên quan đến vấn đề tỷ giá; từ đó, có thể giảm rủi ro bị theo dõi về thao túng tiền tệ.

Năm là, việc cả ông Biden và ông Trump đều có chung quan điểm trong việc bảo vệ lợi ích của Mỹ và thúc đẩy Trung Quốc thực hiện đúng các cam kết thương mại quốc tế (dù cách tiếp cận khác nhau) sẽ tiếp tục có những tác động đến xu hướng dịch chuyển đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh sau dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa thể chấm dứt ngay. Việt Nam, với tình hình chính trị ổn định, kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng nhanh, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện vẫn sẽ là môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Mỹ nói riêng trong xu thế này. Tuy nhiên, nhiệm vụ cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ, thực hiện tốt hơn các cam kết của hai bên vì lợi ích chung của hai nước vẫn là điểm cần lưu ý đối với Việt Nam.

Kết luận: rõ ràng là những chính sách dự kiến của chính quyền dưới thời ông Biden có những tác động quan trọng đối với toàn cầu và Việt Nam. Về tổng thể, cách tiếp cận của chính quyền mới cơ bản sẽ ổn định hơn, minh bạch, thận trọng, có kế hoạch và dễ đoán hơn. Tuy nhiên, những nhóm chính sách này cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta sớm tìm hiểu, tiếp cận, đánh giá và chủ động thiết kế chính sách phù hợp.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

VDSC: “Trong dài hạn, thị trường chứng khoán sẽ không quá bi quan bất kể kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”

Theo Trí thức trẻ

Link bài gốc: Những chính sách dự kiến của ông Biden và hàm ý đối với Việt Nam
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,159
Bài viết
63,378
Thành viên
86,403
Thành viên mới nhất
symonenkoinfo1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN