KT-XH Dự phòng ''ngốn'' mất 93.000 tỷ lợi nhuận ngân hàng: Cứ làm ra 10 đồng phải trích lập hơn 4 đồng

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
TIN MỚI

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng trong nước cho thấy, tổng chi phí dự phòng rủi ro trong 9 tháng đầu năm ở mức hơn 93.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kì năm trước. Con số này tương đương khoảng 43% tổng lợi nhuận thuần trước trích lập của các ngân hàng.

Cũng giống các năm trước, BIDV vẫn là nhà băng trích lập nhiều dự phòng rủi ro nhất trong 9 tháng đầu năm với 23.195 tỷ, tăng gần 44% so với cùng kỳ 2020 và tương đương hơn 68% lợi nhuận thuần. Điều này đồng nghĩa, cứ 100 đồng lợi nhuận làm ra, BIDV phải trích 68 đồng để dự phòng rủi ro - tỷ lệ cao hàng đầu trong ngành ngân hàng. Đây là nguyên nhân chính khiến BIDV bị các đối thủ trong ngành như Vietcombank, Techcombank, VietinBank, MB và VPBank lần lượt vượt qua trên bảng xếp hạng lợi nhuận dù có nguồn thu lớn nhất hệ thống.

Chi phí dự phòng của BIDV tiếp tục ở mức cao trong bối cảnh nợ xấu của ngân hàng này vẫn dẫn đầu toàn ngành về quy mô nợ xấu nội bảng với 21.433 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9.

Tương tự, lợi nhuận của VietinBank cũng bị ăn mòn một nửa bởi dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng của VietinBank ở mức hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ 2020.

Mặc dù vẫn đẩy mạnh trích lập nhưng với quy mô nợ xấu tăng hơn 90% sau 3 quý vừa qua, khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank đã giảm về còn 119% từ mức 132% hồi đầu năm. Điều này có thể làm gia tăng áp lực trích lập thêm dự phòng đối với VietinBank trong thời gian tới.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên bất thường sáng 3/11, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao hơn mức quy định để tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Dự kiến cuối năm 2021, ngân hàng sẽ trích lập 17.000 tỷ đồng chi phí dự phòng, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,4%.

Dự phòng ngốn mất 93.000 tỷ lợi nhuận ngân hàng: Cứ làm ra 10 đồng phải trích lập hơn 4 đồng - Ảnh 1.


10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro cao nhất trong 9 tháng đầu năm. (Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp)


ACB chứng kiến chi phí dự phòng tăng gấp 4 lần trong 9 tháng đầu năm với hơn 2.812 tỷ đồng và là ngân hàng dẫn đầu về tốc độ tăng loại chi phí này. Chi phí dự phòng ACB tăng đột biến trong bối cảnh nợ xấu của nhà băng này cao gấp rưỡi thời điểm cuối năm 2020 với hơn 2.822 tỷ đồng.

SSI Research từng dẫn thông tin từ ban lãnh đạo ACB cho biết nợ xấu tăng do ngân hàng chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này.

Cùng với ACB thì SCB, NVB, LienVietPostBank và TPBank là những nhà băng có chi phí dự phòng tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm, gấp 2 – 3 lần cùng kỳ năm trước.

Tại Vietcombank, MB và Techcombank, dù tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng dự phòng trong quý III đã giảm so với quý II. Đây không phải là điều quá ngạc nhiên do đây đều là các ngân hàng có chất lượng tốt với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao.

Dự phòng ngốn mất 93.000 tỷ lợi nhuận ngân hàng: Cứ làm ra 10 đồng phải trích lập hơn 4 đồng - Ảnh 2.


Nguồn: Yuanta Việt Nam, FiinPro.


Báo cáo tài chính quý III cho thấy, có tổng cộng 19/29 ngân hàng tăng chi phí dự phòng trong 3 quý đầu năm và chỉ có 9 ngân hàng giảm. Điều này cho thấy phần nào sự thận trọng của các ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu, nợ tái cơ cấu có xu hướng tăng nhanh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo ước tính của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dư nợ cho vay được phân loại vào nhóm nợ xấu đạt khoảng 1% tổng tài sản ngành ngân hàng; tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các ngân hàng tạm hoãn việc phân loại các khoản cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch vào nhóm nợ xấu. Dư nợ đã được tái cơ cấu nhưng chưa được xếp vào nhóm nợ xấu chiếm khoảng 4% tổng tài sản ngân hàng. Vì vậy, nếu dư nợ tái cơ cấu được xếp vào nhóm nợ xấu, thì tỷ lệ tổng nợ xấu /tài sản sẽ đạt khoảng 5% - đây là một con số khá lớn.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng lợi nhuận ngành ngân hàng vào năm 2022 phần lớn sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp, sẽ phải tăng thêm dự phòng. Điều này sẽ làm giảm con số lợi nhuận.

Do đó, những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ là ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản do đại dịch.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ về lợi nhuận giữa các ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có chất lượng tài sản tốt, nắm giữ danh mục khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có nhiều tiềm năng hơn.

Trong khi Chứng khoán Rồng Việt tin rằng việc các ngân hàng đã trích lập dự phòng mạnh tay trong quý 3 cũng hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong các quý tiếp theo trong bối cảnh các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan tới thuế và lãi suất đang được kỳ vọng trong thời gian tới.

Theo Trí thức trẻ

Link bài gốc: Dự phòng ''ngốn'' mất 93.000 tỷ lợi nhuận ngân hàng: Cứ làm ra 10 đồng phải trích lập hơn 4 đồng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

News

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,426
Bài viết
63,646
Thành viên
86,449
Thành viên mới nhất
nguyenhungvipxz1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN