KT-XH Các khu kinh tế ven biển vẫn èo uột

lovesuju2711

New member
14 Tháng mười một 2010
375
0
0
32



18 khu kinh tế ven biển Việt Nam chiếm hơn 730.000 ha mặt đất, mặt nước, song dự án lấp đầy chỉ đạt chỉ dưới 10%. Sau 9 năm hình thành, các khu kinh tế ven biển phát triển quá chậm so với lợi thế, tiềm năng sẵn có.

Số liệu Bộ Kế hoạch đầu tư công bố cuối tuần qua tại hội thảo Cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam diễn ra ở Quảng Nam, cho thấy sau 9 năm xây dựng và phát triển, hiện cả nước có 18 khu kinh tế ven biển. Trong đó 15 khu kinh tế đã và đang xây dựng, 3 chuẩn bị triển khai.​
Các khu kinh tế này đã thu hút được khoảng 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD; chừng 650 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư gần 537 nghìn tỷ đồng.​
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, chỉ có Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) với "trái tim" là nhà máy lọc dầu Dung Quất, thể hiện rõ vai trò động lực phát triển, tạo sức lan tỏa thu hút đầu tư cho cả khu vực. Các khu kinh tế còn lại ì ạch, diện tích đất còn trống trơn, khá nhiều dự án treo.​
Nhiều dự án quy mô lớn ở các khu kinh tế ven biển Việt Nam triển khai chậm do gặp khó khăn về tài chính, vướng mắc đền bù giải tỏa. Ảnh: Trí Tín
Tuy vậy Khu kinh tế Dung Quất cũng đang rơi vào tình trạng phát triển chững lại, loay hoay chưa tìm được hướng đi mới. Ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho biết: "Suốt 2 năm qua, Dung Quất đã bộc lộ dấu hiệu phát triển chững lại, nhiều dự án quy mô lớn hàng trăm triệu USD phải đình hoãn kéo dài do gặp khó khăn về tài chính, vướng mắc trong đền bù giải tỏa".​
Chẳng hạn dự án kho ngầm xăng dầu đã được cấp phép từ năm ngoái có vốn hơn 340 triệu USD đến nay vẫn chưa triển khai. Dự án luyện thép Quảng Liên vốn 4,7 tỷ USD kéo dài nhiều năm do khó khăn về tài chính, vướng đền bù giải tỏa... Đến nay, Khu kinh tế Dung Quất thu hút 112 dự án với tổng vốn đăng ký là 8,3 tỷ USD, thế nhưng vốn thực hiện mới đạt 4,9 tỷ USD.​
Trong khi đó, một số khu kinh tế ven biển khác như: Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) mặc dù cấp phép nhiều dự án lớn có vốn từ hàng trăm đến vài tỷ USD, nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai. Ngay cả khu kinh tế biển đầu tiên của cả nước là Khu kinh tế mở Chu Lai xây dựng từ năm 2003 nhưng đến nay mới thu hút được 66 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 tỷ USD. Trong đó chỉ có 45 dự án (vốn 600 triệu USD) hoạt động, chủ yếu là từ doanh nghiệp đầu tư trong nước.​
Dự án thép Quảng Liên chiếm hàng trăm ha đất ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) do khó khăn về tài chính, vướng mắc đền bù giải tỏa nên triển khai kéo dài nhiều năm qua. Ảnh: Trí Tín
Trước vấn đề này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên lo ngại: " Các khu kinh tế ven biển ra đời ồ ạt trong những năm qua đã tạo ra sự dàn trải đầu tư, phân tán nguồn lực và gây ra tình trạng cạnh tranh giành vốn quyết liệt giữa các địa phương". Ông cho rằng vấn đề cấp bách hiện nay là xác định lại quan điểm phát triển, nhất là vai trò và quy mô phát triển khu kinh tế biển.​
Còn ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế thì nêu quan điểm: "Việc quy hoạch, thành lập một số khu kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích quốc gia". Nghịch lý là trong số các khu kinh tế đã được phê duyệt, có cả một số khu kinh tế không đáp ứng được ba tiêu chí cơ bản để phát triển hiệu quả gồm: Có dự án động lực, cảng biển nước sâu và sân bay.​
Để chấn chỉnh tình trạng này, các chuyên gia kinh tế đề xuất nhà nước cần có cơ chế, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, áp dụng "mô hình chính quyền" quản lý khu kinh tế (tránh đa ngành, đa cấp như hiện nay). Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng khu kinh tế, chăm lo an sinh xã hội cho người dân vùng tái định cư. Đặc biệt là tạo quỹ "đất sạch" tránh gây nhiều phiền hà trong khâu đền bù, giải tỏa cho nhà đầu tư.​
Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cũng đang xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể để có cơ sở rà soát lại các khu kinh tế biển. Xác định lại mục tiêu, mục đích của các khu kinh tế; từ đó xây dựng chiến lược phát triển cho từng khu kinh tế. Một số khu kinh tế biển có khả năng tạo đột phá sẽ được tập trung đầu tư, còn nơi nào phát triển kém, ì ạch có thể bị đề xuất rút giấy phép.​
Trí Tín

vnexpress.net
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,114
Bài viết
63,333
Thành viên
86,294
Thành viên mới nhất
noithatdiemnhan1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN