Ảnh: Trọng Hiếu
Một nền kinh tế nghịch lý!
"Nền kinh tế toàn những nghịch lý" là thuật ngữ được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sử dụng gần đây khi nói về những gì đang diễn ra với nền kinh tế Việt Nam. Ông cho rằng: "Nền kinh tế không có thanh khoản, đầu tư công còn triệu tỷ trong ngân hàng; nền kinh tế thì thiếu tiền, cung tiền M2 thì thấp; lạm phát thấp, lãi suất cao. Toàn là những nghịch lý cả".
Nhắc lại một lần nữa điều này, trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 5/6, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất huy động đến 9% thì "quá vô lý".
Nói quá vô lý, bởi lạm phát Việt Nam được kiểm soát ở mức rất thấp trong năm 2022 (tăng 3,15% - thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra và chỉ tương đương 1/3 mức tăng của các nước châu Âu, Mỹ), định hướng của năm 2023 cũng chỉ tăng khoảng 4%; tỷ giá cũng được kiểm soát tốt. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm đã tăng lên mức 9,5-10,5%/năm kể từ tháng 10/2022 và hiện duy trì mức khoảng 8,5%/năm kỳ hạn 12 tháng (mới giảm sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN vào tháng 3, 4, 5).
Lãi suất thực của Việt Nam vẫn đang gấp đôi lạm phát, đây là có mức lãi suất khá cao so với mặt bằng chung thế giới, trong khi một số nước thậm chí áp dụng lãi suất thực âm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chẳng hạn như lạm phát của Malaysia ở mức 3-4% nhưng lãi suất huy động chỉ ở mức 2,5-3,5%/năm và cho vay ở mức 5-6%/năm, tức là lãi suất thực dương âm 0,5%.
Trung Quốc đã giảm lãi suất xuống khá thấp, lãi suất cơ bản cho vay kỳ hạn một năm (LPR) của Trung Quốc được giữ ở mức 3,65% và LPR kỳ hạn 5 năm không đổi ở mức 4,30%. Lãi suất ở Trung Quốc duy trì ở mức thấp trong bối cảnh lạm phát tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2022 và có nguy cơ giảm phát.
Lãi suất cơ bản của Mỹ duy trì ở mức 5-5,25% nhưng lạm phát của Mỹ cũng trong giai đoạn khá dài tăng lên 10%, sau đó giảm xuống 8%. Như vậy, lãi suất thực âm 3-4%.
Lãi suất thấp là lợi thế của doanh nghiệp trong hoạt động thương mại. Môi trường lãi suất thấp cũng giúp thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy sản xuất doanh nghiệp trong nước.
Thực tế nước ta thời gian qua cho thấy, từ nửa cuối 2022 - nay, lãi suất huy động cao đã đẩy lãi vay đối với khách hàng lên cao (12-15%/năm), thậm chí cao hơn khiến người dân, doanh nghiệp giảm nhu cầu vay vốn, tiêu dùng và sản xuất đều cho thấy dấu hiệu đình trệ từ quý IV/2022.
Chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục cho thấy thực trạng đáng lo ngại.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) nhìn chung nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Trong tháng 5, cả nước có hơn 12 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 24,2% so với tháng trước, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất nhập khẩu tháng 5 dù có sự khởi sắc so với tháng trước nhưng vẫn giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, vẫn giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số CPI tháng 5 chỉ tăng nhẹ 0,01% so với tháng 4. Tính chung bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022 - cho thấy sức cầu trong nước yếu dần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Với độ trễ nhất định, lãi suất tăng cao vào quý cuối năm 2022, thanh khoản "cạn kiệt", doanh nghiệp khó tiếp cận vốn đã tác động lên tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như các chỉ số vĩ mô của nửa đầu năm 2023. Tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm 2023 khi tăng trưởng tín dụng ngân hàng 5 tháng đầu năm rất thấp, chỉ đạt 3,17% (cùng kỳ 2022 tăng gần 8%), trong khi đó mục tiêu cả năm nay là khoảng 14%. Nếu không có giải pháp thiết thực, tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt mục tiêu và tăng trưởng GDP cũng khó có thể đạt 6,5% như Quốc hội đề ra.
Giảm lãi suất là lời giải!
Tranh luận với Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại phiên họp Quốc hội ngày 10/6, ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa góp ý Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi): "Dự thảo luật chủ yếu quan tâm tới vấn đề phòng và chống là chính, không có xây dựng. Hiện nay chúng ta đang vướng là ở chỗ, ngân hàng có thì tiền nhưng người dân, doanh nghiệp lại không tiếp cận được. Vì vậy, đề nghị trong mục đích và quan điểm xây dựng luật nên đặt vấn đề làm sao để có cơ chế, chính sách trong luật rõ ràng. Cần xây dựng một luật mà người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, đấy mới là điều quan trọng".
Gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những trao đổi lý do tại sao tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm thấp.
Theo đó, có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.
Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.
Có thể thấy, về cơ bản, việc NHNN tăng lãi suất điều hành, sau đó là những đợt sóng chạy đua lãi suất trên thị trường và sự suy giảm của hoạt động sản xuất, thương mại, đầu tư có tính hệ quả.
Năm 2022, NHNN đã bắt đầu chỉ đạo tăng lãi suất 2 lần vào tháng 9 và tháng 10, mỗi lần tăng lên 1%, tổng cả hai đợt là 2%. Điều này diễn ra trong bối cảnh VND mất giá so với USD (khoảng 9%). Việc tăng lãi suất của NHNN được cho là để vừa ổn định tỷ giá hối đoái vừa là để chống lạm phát. Về cơ bản, NHNN đã đạt được mục tiêu khi lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15%, VND so với USD chỉ mất giá khoảng 3% (cuối năm 2022). Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất trong nước, quý IV/2022 tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,92% và quý I/2023 tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%.
Trước thực trạng trên, vào tháng 3, 4, 5 vừa qua NHNN đã liên tục 3 lần giảm lãi suất điều hành với trung bình mỗi lần 0,5 điểm %. Điều này cũng giúp lãi suất huy động trên thị trường giảm trung bình 1,5-2 điểm % trong hơn 1 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, về cơ bản tình hình của doanh nghiệp và người dân vẫn rất khó khăn với một số nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp đã được người đứng đầu NHNN nêu ra.
Trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia tài chính, ngân hàng có sự đồng thuận rằng, lãi suất điều hành cần được giảm thêm nữa để tạo ra những tác động mạnh mẽ hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN cần đưa ra một mô hình tính toán để đưa ra được dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát, từ đó điều hành lãi suất ở mức phù hợp.
"Những năm trước (2020-2021) thì tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành là 6%, tăng cùng tiền là 10-11%. Trong khi năm 2022, tăng trưởng kinh tế lên tới 8% cộng với lạm phát khoảng 3% thì tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành là khoảng 11%, mà cung tiền chỉ tăng có 5,5%. Vòng quay tiền còn 0,64 vòng/năm khiến cho tổng cung tiền càng thấp so với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành. 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành khoảng 6% mà cung tiền mới chỉ được khoảng 3%. Rõ ràng, cung tiền đang bị thiếu hụt và bây giờ vẫn đang tiếp tục thiếu, như vậy thanh khoản trong nền kinh tế bị suy kiệt là chuyện dễ hiểu. Khi thanh khoản của nền kinh tế bị suy kiệt thì trong ngắn hạn nền kinh tế đi xuống", ông Nghĩa nói.
Theo đó, khi chưa giải quyết được vấn đề cung tiền thì nghịch lý giữa lạm phát và lãi suất của Việt Nam vẫn tồn tại, có nghĩa là lạm phát vẫn sẽ thấp và lãi suất vẫn sẽ cao.
TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, có thể làm nhanh từ đây đến cuối năm, giảm khoảng 2 điểm % lãi suất. Cụ thể, kéo mức lãi suất tiền gửi thì bình quân kỳ hạn 12 tháng về khoảng 6%/năm, lãi suất cho vay khoảng 7-8%/năm. Năm sau có thể tiếp tục nới lỏng hơn. Thị trường nội địa hiện tại đang bị cản trở bởi lãi suất quá cao. Nếu áp dụng chính sách này sẽ giúp cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp phục hồi trở lại, nhất là những doanh nghiệp trong những ngành có liên quan nhiều đến cầu tiêu dùng nội địa như doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm rằng, một loạt doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào đơn hàng xuất khẩu thì vẫn có thể phục hồi được, nếu lãi suất thấp (thực dương khoảng 1-2%) . Và ngay cả khi doanh nghiệp bị kẹt trong bối cảnh không có đơn hàng hoặc là đơn hàng ít thì lãi suất đối với doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Hạ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp bớt căng thẳng đi rất nhiều. Điều này có nghĩa là phải có cái nhìn trực diện vào khó khăn hiện tại của doanh nghiệp để xử lý.
TS. Cấn Văn Lực gần đây cũng nhấn mạnh quan điểm cần một chính sách tiền tệ linh hoạt và đa mục tiêu hơn. Trong bộ ba bất khả thi là lạm phát, tỷ giá và lãi suất, đây có thể là thời điểm cần cân nhắc về việc linh hoạt hơn trong biến động tỷ giá để hỗ trợ giảm lãi suất. Điều này là rất quan trọng và thực tế điều hành chính sách tiền tệ của một số nước cho thấy, lợi ích là cao hơn cho nền kinh tế.
Link bài gốc: Giảm lãi suất để giải 'bài toán' khó của nền kinh tế
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
Bài tương tự bạn quan tâm
Tổng tài sản ngành ngân hàng bất ngờ giảm hơn...
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Sau kỳ nghỉ lễ, một ngân hàng lớn giảm mạnh 1% lãi...
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Giảm lãi suất 'chìa khoá' thúc đẩy tăng...
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Chuyên gia: Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay...
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Lãi suất giảm sâu, dòng tiền có chảy vào bất động sản?
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu