Cần xã hội hoá việc thẩm định giá?

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
Mặc dù đang trong quá trình xin ý kiến để hoàn thiện Luật Giá, nhưng nhiều ý kiến đều cho rằng việc thẩm định giá cần được xã hội hoá. Việc thẩm định giá nên để các doanh nghiệp tư nhân thực hiện, Nhà nước chỉ tập trung vào việc quản lý để công việc đó sao cho minh bạch và hiệu quả.



Đó là ý kiến được đông đảo các các chuyên gia kinh tế chia sẻ với Pv Tamnhin.net khi nói về dự thảo thẩm định giá bao gồm 6 chương và 64 điều do Bộ Tài chính soạn thảo.


Vẫn chưa thống nhất về tên gọi


Theo chương trình đăng ký với Chính phủ và Quốc hội thì tên của luật dự kiến là “Luật Quản lý giá”. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến tham gia Bộ Tài chính đã đề nghị lấy tên là Luật Giá với lý do bản thân từ luật đã bao hàm nội dung về quản lý.





Thêm vào đó, ban soạn thảo cho rằng nếu để cụm từ “quản lý” trong các văn bản thường bị các tổ chức nước ngoài cho là Việt Nam chưa thực hiện giá thị trường, do Nhà nước vẫn còn quản lý nên nền kinh tế chưa có cạnh tranh thực sự về giá.


Song theo luật gia Vũ Xuân Tiền, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam thì nên giữ nguyên tên gọi là Luật quản lý giá. Vị luật sư này lập luận là toàn bộ nội dung của Luật Giá là những vấn đề thuộc về quản lý giá, những vấn đề sâu hơn như những nhân tố hình thành giá cả, sự hình thành giá cả trên thị trường, về chi phí sản xuất, chi phí lưu thông… không được đề cập. Do đó, nếu đặt tên là Luật Giá thì nội dung không phù hợp với hình thức thể hiện.


Ông còn phân tích ý kiến cho rằng từ luật đã bao hàm nội dung quản lý là đúng nhưng cần làm rõ phạm vi quản lý. Nếu gọi là Luật Giá thì phạm vi là quá rộng, có những vấn đề không thể quy định trong kinh tế thị trường.


“Chúng ta cũng không nên ngại cụm từ “quản lý”, vấn đề là nội dung của Luật có thực sự tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường hay không. Trên thực tế, nước ta cũng đã có Luật quản lý Thuế; Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật quản lý công nợ…”, ông Tiền dẫn ra.


TS. Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả lại đề nghị đặt tên là “Luật Giá cả” vì chữ “giá” trong tiếng Việt còn có nhiều nghĩa khác nhau. “Theo đó, tất cả các chữ giá trong luật nên thay bằng giá cả để tránh cách diễn đạt nôm na trong văn bản pháp luật”, TS Ánh góp ý.


Nhà nước chỉ cần quản lý


Cũng tại dự thảo Luật này quy định tổ chức thẩm định giá bao gồm các doanh nghiệp thẩm định giá và tổ chức thẩm định giá của Nhà nước. Theo tổ biên soạn việc định tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là điểm mới so với Pháp lệnh giá xuất phát từ yêu cầu của thực tế cũng như từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm phục vụ cho việc quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước có hiệu quả hơn.





Theo đó, thẩm định Nhà nước chỉ thực hiện nhiệm vụ thẩm định giá tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, các tài sản của Nhà nước cho đi thuê, chuyển nhượng, bán, thanh lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Còn doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá đối với tất cả các tài sản mà xã hội có nhu cầu thẩm định giá kể cả tài sản mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước khi có yêu cầu.


Về quy định này, TS. Ánh cho rằng cần cân nhắc về sự cần thiết của tổ chức thẩm định giá của Nhà nước vì cơ quan nhà nước có thể thuê công ty thẩm định giá khi cần thiết, tránh sự phân biệt giá đối với loại hàng hoá dịch vụ và chia cắt thị trường dịch vụ định giá, kéo theo đó là sự phân biệt về tiêu chuẩn thẩm định viên về giá.


TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng nhìn nhận nhất thiết không được lập lại “thẩm định giá Nhà nước” vì như vậy trái với kinh tế thị trường, trái với xu thế hội nhập và mâu thuẫn với nhiều đều mà luật pháp đã và sẽ quy định.


“Nhà nước chỉ nên làm những công việc mà không có doanh nghiệp và tư nhân nào làm hoặc doanh nghiệp và tư nhân không làm nổi, còn khi doanh nghiệp đã và đang làm tốt công việc đó thì Nhà nước cần tập trung vào việc quản lý để công việc đó sao cho minh bạch và hiệu quả”, ông Tuấn cho hay.


Tán đồng với những ý kiến nêu trên, ông Nguyễn Danh Hưng, Vụ Kinh tế tổng hợp – Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng nếu thành lập lại tổ chức thẩm định của nhà nước tức là quy trở lại như trước đây đã thành lập các trung tâm thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính. Điều này không phù hợp với chương trình cải cách thủ tục hành chính cũng như bộ máy hành chính là giảm bớt các thủ tục và đầu mối (số lượng) các đơn vị sự nghiệp trong cơ quan quản lý Nhà nước.


Thứ hai nếu giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về giá ở Trung ương và địa phương thẩm định giá đối với tất cả các tài sản nhà nước phải thẩm định thì những vấn đề đặt ra cần phải làm rõ: với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay thì có thể đáp ứng được nhu cầu thẩm định giá đối với tất cả các cơ quan, tổ chức nhà nước có tài sản phải thẩm định giá không. Nếu phải bổ sung thêm biên chế cho đội ngũ công chức làm công tác này thì có phù hợp với yêu cầu cắt giảm biên chế và tinh gọn bộ máy nhà nước hay không.


Kê Đả
Theo tamnhin.net
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,113
Bài viết
63,332
Thành viên
86,294
Thành viên mới nhất
noithatdiemnhan1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN