KT-XH Những nền kinh tế mới thay đổi trật tự thế giới

lovesuju2711

New member
14 Tháng mười một 2010
375
0
0
32
Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi đang tạo ra những biến chuyển đáng kể thay đổi trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu. Một thế giới đa cực đang được hình thành.

Ở Mãn Châu Lý có rất nhiều tượng búp bê Matryoska, một biểu tượng của nước Nga, như thế này. Ảnh: VisitourChina. Trong những thập kỉ trước, Mãn Châu Lý, thị trấn Trung Quốc nằm dọc biên giới hẻo lánh với Nga, là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của chiến tranh lạnh. Mãn Châu Lý không hề có các hoạt động giao thương với Nga. Mọi chuyện thay đổi sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ và biên giới hai nước mở ra. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt 55 tỷ USD, tăng gấp bảy lần so với năm 2000. Giá trị hàng hóa qua cửa khẩu Mãn Châu Lý đạt 9,8 tỷ USD, gấp đôi so với 5 năm trước. Dân số nơi đây cũng tăng đáng kể, từ 15.000 vào thời kỳ kết thúc Chiến tranh Lạnh và nay là 300.000.
Câu chuyện thành công của Mãn Châu Lý không phải là cá biệt ở những nền kinh tế mới nổi. Dòng chảy về hàng hóa, con người và vốn giữa các nền kinh tế đang phát triển càng ngày càng giúp các nước này đẩy mạnh về nguồn xuất khẩu, việc làm và tài chính. Hiện nay, xu hướng chung của các nền kinh tế này là càng tránh lệ thuộc vào thị trường tiêu dùng phương Tây càng tốt. Điều này có thể định hình lại nền kinh tế thế giới.
Việc tăng cường quan hệ giữa các nước mới nổi lên có thể là điều cần thiết khi mà kinh tế toàn cầu đang tìm một hướng đi để thoát khỏi cuộc đại suy thoái. Đây cũng chính là chủ đề nóng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) đang diễn ra tại Hawaii. Sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nền kinh tế mới nổi lên đang làm thay đổi vai trò của Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu, tạo ra những liên minh chính trị mới cũng như làm dấy lên sự cạnh tranh vùng lãnh thổ và chính trị mới. Stephen King, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC cho rằng dòng chảy thương mại và vốn giữa các vùng kinh tế mới nổi lên của thế giới như châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin có thể tăng lên 10 lần trong hơn 40 năm tới.
Sự biến đổi nền kinh tế toàn cầu xuất hiện ở khắp mọi nơi. Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên 28 lần trong thập kỷ qua, đạt gần 62 tỷ USD vào năm 2010. Trong chuyến viếng thăm vào tháng 12 năm trước của chủ tịch Ôn Gia Bảo tới New Delhi, hai bên đã ký thỏa thuận thương mại và tài chính lên tới 16 tỷ USD. Trong khi một tháng trước đó, tổng thống Barack Obama công du tới Ấn Độ và hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại chỉ 10 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu của Ấn Độ và Brazil giờ đây là các nền kinh tế mới đồng minh chứ không phải là các nước phát triển. Thay thế sự thống trị nhiều năm của Mỹ ở thị trường Mỹ Latin, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Brazil. Năm 2010, tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC của Trung Quốc đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào công ty năng lượng Bridas, trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất trong năm của Argentina. Năm ngoái, Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới của Nga chọn niêm yết tại Hong Kong thay vì London hay New York.
Sự tăng cường giao thương và đầu tư giữa các nước mới nổi lên đã làm thay đổi cấu trúc nền kinh tế thế giới vốn tồn tại trong vài thập kỷ. Mặc dù vậy, mối quan hệ căng thẳng giữa các quốc gia đang phát triển thường tạo ra rào cản đối với sự phát triển quan hệ thương mại, mà xung đột biên giới giữa Nga và Trung Quốc đã khiến giao thương buôn bán ở Mãn Châu Lý tê liệt nhiều năm là một ví dụ.
Mô hình kinh tế thế giới thay đổi sau khi Trung Quốc tham gia cuộc chơi toàn cầu hóa những năm 80. Các nhà máy ở Thâm Quyến và Thượng Hải trở thành trung tâm của mạng lưới “sản xuất không biên giới” đối với các loại hàng hóa như TV, điện thoại di động và nhiều mặt hàng khác. Mô hình phát triển kiểu các công ty ở các quốc gia mới nổi liên minh bán sản phẩm cho chính người tiêu dùng của họ thúc đẩy mạnh thương mại trong khu vực càng ngày càng phổ biến. Chẳng hạn, vào cuối năm 2010, trao đổi thương mại và hợp tác phát triển kinh tế của châu Á và châu Mỹ Latin đã tăng bẩy lần trong 10 năm qua, đạt 268 tỷ USD.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu và đối tác mới đã tăng cường sự hiện diện ở châu Phi. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và châu Phi tăng đột biến từ 1 tỷ USD năm 2001 vượt lên 50 tỷ USD năm 2010. Một chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập kinh tế của Ngân hàng phát triển châu Á tại Philippines nói rằng mối quan hệ của các thị trường mới nổi lên này đang tạo ra “trụ cột thứ ba” của nền kinh tế thế giới, bên cạnh hai trụ cột khác là Mỹ và châu Âu.
Quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế mới càng quan trọng bao nhiêu thì vị thế của Mỹ và châu Âu đối với nền kinh tế toàn cầu lại càng giảm bấy nhiêu. Trong khi các nền kinh tế phương Tây oằn mình gánh những khoản nợ chồng chất cũng như nạn thất nghiệp cao thì Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới khác lại nhẹ nhàng vượt qua suy thoái.
Không chỉ gắn kết về mặt kinh tế, các nước này đang cùng nhau chia sẻ những lợi ích chính trị. Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức các hội nghị thượng đỉnh về việc cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, nhắm đến việc thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Chẳng hạn, Trung Quốc và Nga là hai nước đi đầu trong việc thay thế đồng đôla Mỹ vốn là đồng tiền được dự trữ nhiều nhất thế giới. Ông King, chuyên gia kinh tế của HSBC, nhận định rằng nếu như mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế mới nổi lên tiếp tục phát triển thì đồng nghĩa với việc “vị thế kinh tế cũng như chính trị của Mỹ và châu Âu sẽ bị suy giảm.”
Rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn cũng đang tìm kiếm cơ hội mới ở các đồng minh mới nổi lên như họ. Các công ty có thương hiệu ít được biết đến ở những thị trường các nước phát triển nhưng lại thành công ở thị trường đang nổi lên. Doanh thu của nhà sản xuất điện thoại di động G’Five của Trung Quốc đã tăng 75% năm ngoái tại thị trường Ấn Độ. Chery, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc, từng phải vật lộn với thị trường cạnh tranh ở Mỹ, lại ăn lên làm ra ở thị trường mới nổi lên. Hiện Chery có 16 nhà máy đang hoạt động và một số khác đang được xây dựng ở các nước như Nga, Ai Cập, Iran, Indonesia và Brazil.
Không ai có thể đảm bảo việc hội nhập của các nước thuộc thế giới mới nổi liệu có bền hay không. Bởi vì thực tế việc đầu tư trong khối này vẫn còn vấp phải nhiều trở ngại. Chẳng hạn như ở các nước đang phát triển chính sách về thuế cao hơn và dòng vốn bị giới hạn một cách cứng nhắc hơn so với ở các nước phát triển. Ngoài ra, hệ thống đường sá, mạng lưới vận chuyển hàng hóa chậm và chi phí đắt đỏ hơn so với các nước phát triển. Mặc dù sự tăng trưởng đáng kinh ngạc nhưng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ chỉ bằng một phần sáu của kim ngạch giữa Trung Quốc và Mỹ. Những căng thẳng về chính trị kéo dài cũng có thể bùng phát và ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước trong tương lai.
Ở Mãn Châu Lý, có sự khác nhau đáng kể giữa tiềm năng thương mại của Nga cũng như thực tế giao thương diễn ra tại đây. "Các quan chức Nga thường không mấy mặn mà với việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế", chủ tịch vùng kinh tế Mãn Châu Lý, ông Li Yongsheng, nói. "Các cán bộ Trung Quốc hy sinh những ngày nghỉ để làm việc vì mục tiêu phát triển thì các quan chức Nga lại không bao giờ làm việc quá giờ".
Các nỗ lực nhằm dỡ bỏ rào cản thương mại vẫn được các nước đang phát triển thúc đẩy. Từ năm 2004, các nước phát triển châu Á và châu Mỹ Latin đã ký kết 13 thỏa thuận về tự do thương mại. Thủ tướng Nga Vladimir Putin gần đây cũng đưa ra sáng kiến thiết lập khu vực tự do thương mại “liên minh Á-Âu”. Trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 10 của thủ tướng Putin, Nga và Trung Quốc đã lập một quỹ liên kết trị giá 4 tỷ USD nhằm thúc đẩy đầu tư giữa hai nước.
Nhưng khi mà một số rào cản thương mại được dỡ bỏ thì có những khó khăn mới lại xuất hiện. Các quan chức Brazil và Ấn Độ phàn nàn về việc Trung Quốc duy trì giá trị đồng nhân dân tệ thấp hơn thực tế bằng cách trợ giá cho hàng hóa, gây cản trở xuất khẩu vào những nước này. Phản ứng đối với Trung Quốc lan rộng từ Brazil đến Zambia về việc các nhà đầu tư Trung Quốc đã giành được những hợp đồng đầu tư béo bở nhưng không tái đầu tư tại nước bản địa.
Ông King, chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC, chỉ ra rằng để các nền kinh tế lớn mới không phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây, các nước đang phát triển nên thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Công ty tư vấn Accenture ước tính đến năm 2020, việc mở rộng kinh doanh của Ấn Độ với các thị trường đang nổi lên có thể mang lại 28,2 triệu lao động trong nước. Khi sự kết nối giữa các nền kinh tế mới trở nên chặt chẽ hơn sẽ tạo áp lực đối với Mỹ và châu Âu trong việc tham gia vào thị trường này.
Huang Jincai đã lên kế hoạch phòng trước điều đó. Nhà doanh nghiệp khai thác gỗ đóng tại Mãn Châu Lý đã đặt cả hy vọng và tài sản vào quan hệ thương mại Nga-Trung. Năm 2003, Huang đến làm công nhân ở vùng cực đông này của nước Nga. Anh phải đứng cắt gỗ nhiều giờ liền. Giờ đây, từ bàn làm việc của Huang trên tầng 20 của tháp văn phòng có thể ngắm nhìn toàn thị trấn Mãn Châu Lý.
Bảy năm trước, Huang cùng anh trai của mình và một đối tác người Nga đã đầu tư 5 triệu USD mở một nhà máy xử lý gỗ đặt tại Nga. Nhà máy của anh có 100 lao động. Năm nay Huang bắt đầu mở một công ty ở Mãn Châu Lý chuyên về nhập khẩu và kinh doanh gỗ. Huang cho biết anh thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, từ những rắc rối về thủ tục thuế quan của địa phương đến sự thù địch của người Nga đối với lao động người Trung Quốc.
Nhưng những khó khăn này không làm giảm nhiệt huyết kinh doanh của Huang. "Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhiều" nhờ quan hệ thương mại với Nga. Huang, 31 tuổi, nói: "Tôi khá lạc quan. Cuối cùng thì giao thương không bao giờ dừng lại".
Cao Thu (theo Time)​
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,114
Bài viết
63,333
Thành viên
86,294
Thành viên mới nhất
noithatdiemnhan1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN