KT-XH “Kinh tế Việt Nam khá bị động trong sân chơi quốc tế”

lovesuju2711

New member
14 Tháng mười một 2010
375
0
0
32
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nền kinh tế Việt Nam khá bị động trong sân chơi quốc tế bởi quá trình chuẩn bị hội nhập chưa được quán triệt sâu rộng.
Những tác động nổi bật nhất trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế được thể hiện như thế nào, thưa bà?

Hội nhập một mặt tạo cho Việt Nam cơ chế gắn kết kinh tế nước ta với bên ngoài. Chính sách đổi mới mà Đảng và Nhà nước phát động cuối năm 1986 đã giúp Việt Nam thay đổi thể chế kinh tế của mình, đi theo cơ chế thị trường. Tức là một cơ chế dựa trên cơ sở cạnh tranh và khai thác tối đa các nguồn lực trong nước, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống cho nhân dân. Nhưng cơ chế đó sẽ không phát huy được tốt nhất nếu không có quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đi song hành. Bởi vì có những nguồn lực nước ta không có, cần phải nhập khẩu, phải mượn sức từ nước ngoài để phát triển.
Đồng thời, hội nhập cũng giúp Việt Nam phát huy tốt nhất những nguồn lực hiện có. Chúng ta có nguồn lực dồi dào về lao động, các ngành dựa trên cơ sở nông nghiệp… Thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết nên phải có thị trường nước ngoài để các nguồn lực đó phát huy tác dụng lâu dài, bền vững.
Hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp Việt Nam đạt được những mốc son tăng trưởng kinh tế gắn liền với gia tăng xuất khẩu. Nhưng giá trị nhập khẩu cũng tăng và tăng nhanh hơn khiến nhập siêu đang ở mức báo động. Bà nhận định ra sao về vấn đề này?
Thách thức của nó thì chúng ta cũng đã hình dung và nhìn nhận trước khi Việt Nam tham gia vào quá trình hội nhập. Câu chuyện nhập siêu, chất lượng một số dự án đầu tư nước ngoài giảm sút hoặc một số ngành kinh tế tắc nghẽn… không phải “cái tội” của hội nhập mà do bản thân chúng ta. Bản thân tình trạng nhập siêu gắn rất chặt với tình trạng cơ cấu đầu tư trong nước không hợp lý. Chúng ta quá chú trọng đổ tiền vào tăng trưởng kinh tế trong khi tiết kiệm trong nước không nâng cao được tương ứng.
Một khi nền kinh tế đòi hỏi nhiều nguồn lực để tăng trưởng mà nguồn lực ấy trong nước không đáp ứng được thì ắt hẳn sẽ xảy ra tình trạng nhập siêu. Khiếm khuyết chính là chúng ta không tăng cường năng lực, sự thích ứng của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập. Nhà nước và các doanh nghiệp cũng đang lúng túng nên xảy ra tình trạng nhập siêu.
Được biết, trong quá trình hội nhập, Việt Nam chưa có những đàm phán hiệu quả, bà đánh giá sao về khía cạnh này?
Tôi nghĩ những cam kết của chúng ta trên bàn đàm phán không quá sức chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam, cũng không phải những cam kết quá dại dột, mở cửa thị trường quá nhanh. Khiếm khuyết của chúng ta trong quá trình đàm phán thể hiện ở hai điểm. Thứ nhất, các doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan ở trong nước vẫn nằm ngoài cuộc đàm phán đó. Quá trình đàm phán không gắn chặt chẽ với việc nâng cao năng lực trong nước, tương ứng với tốc độ hội nhập chúng ta có thể có. Nhìn vào Trung Quốc, khi họ gia nhập WTO vào năm 2001, trong 5 năm đàm phán cuối cùng Trung Quốc không những tăng tốc đàm phán với các đối tác mà họ còn tăng cường trao đổi với doanh nghiệp trong nước để thông báo tiến độ hội nhập đang đến gần. Trung Quốc nâng cao khả năng của nền kinh tế và sức mạnh của doanh nghiệp để khi chính thức gia nhập WTO sẽ chớp ngay thời cơ tăng cường xuất khẩu, đồng thời hạn chế hàng ngoại xâm lấn thị trường nội địa Trung Quốc quá ồ ạt.
Một điều nữa là chúng ta vẫn có quan niệm đàm phán là phải bí mật nhưng nhìn vào các nước khác thì thấy những doanh nghiệp nước ngoài tổ chức nhiều cuộc đàm phán với Việt Nam rất công khai. Có lẽ không ai xa lạ với bà Virginia Foote – Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt, trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại song phương (BTA) đã bay đi, bay lại giữa Việt Nam và Mỹ như con thoi để trao đổi thường xuyên với các tổ chức liên quan và doanh nghiệp Việt Nam về những lợi ích và những thách thức có thể có trong quá trình vận động cho những điểm quan trọng trong đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.
Những việc đó chúng ta lại không làm được bởi chúng ta coi đó là bí mật và hạn chế trong khuôn khổ Nhà nước. Từ đó, doanh nghiệp thiếu sự chuẩn bị cần thiết, kết quả là tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ ở nhịp độ 20-22%. Trong khi, sau 5 năm gia nhập WTO, Trung Quốc tăng gấp đôi kinh ngạch xuất khẩu, và dự trữ ngoại tệ của họ giờ đứng đầu thế giới.
Khuyến nghị của bà trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế là gì?
Điều quan trọng nhất là Việt Nam tập trung cao vào việc thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc lại nền kinh tế. Nếu thực hiện đúng những điều mà Đại hội Đảng lần thứ XI đưa ra cũng như đề xuất cụ thể của những chuyên gia, những tổ chức nghiên cứu khác nhau đã trình lên Chính phủ để tái cấu trúc nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam trong quá trình hội nhập đưa ra được những chính sách thích hợp, kết quả hội nhập sẽ cao hơn.
Theo bà, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam cần có những điểm chú ý nào?
Chúng ta nên tập trung vào một số ngành có năng lực cạnh tranh mạnh trên thương trường quốc tế. Phải xem xét những nước như Trung Quốc, các quốc gia ASEAN đã phát triển những ngành nào mạnh rồi thì lựa chọn những ngành khác mà chúng ta có thể cạnh tranh được, chí ít là vững mạnh trên thị trường nội địa. Mong muốn phát triển của chúng ta cao hơn thực tế nên một số ngành như ôtô… không có khả năng cạnh tranh dẫn đến những bài toán đau đầu cho Nhà nước. Cơ cấu kinh tế cũng cần tính toán lại, công nghiệp hóa trên thế giới theo quan niệm hiện đại không đơn thuần là phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp.
Trong những năm qua, chúng ta đã mở rộng thị trường khắp thế giới nhưng thời gian tới nên tập trung vào những thị trường mang tính chất chiến lược như EU, Nhật, Mỹ. Cũng cần xem xét thị trường Trung Quốc như một nhân tố lớn đối với sự phát triển của toàn Đông Nam Á. Chúng ta tránh nhập siêu từ Trung Quốc và lệ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ nước này.
Trong mô hình tăng trưởng cũ, chúng ta ưu tiên phát triển doanh nghiệp Nhà nước và khi phát triển lại dựa vào những ưu đãi. Trong thời gian tới, cần tạo ra những doanh nghiệp Nhà nước có khả năng cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường. Cũng cần quan tâm tới doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các ngành công nghệ cao cho Việt Nam.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Theo Đức Chính
PetroTimes
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,114
Bài viết
63,333
Thành viên
86,294
Thành viên mới nhất
noithatdiemnhan1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN