Đổi đời

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
Tên cúng cơm của anh là Huy, Nguyễn Văn Huy, nhưng bạn bè thân thiết lại đặt cho anh cái biệt danh kỳ lạ "Sáu Huy Hoàng". Gọi riết thành quen, đến hàng xóm láng giềng và ngay cả anh cũng lắm lúc quên cả tên gốc của mình…


Ảnh minh họa
Thây kệ, gọi sao cũng được, miễn trong cách gọi đó thiên hạ không coi thường mình, huống chi đó là cách gọi như một sự tưởng thưởng, một sự ngợi ca ví von mà anh có thể tự hào bởi cuộc đời mình đã không lụi tàn mà đã lật sang trang khác - huy hoàng hơn .
Rời quân ngũ với một cái chân phải chỉ còn hai ngón và một bàn tay phải đã mất ngón út, chỉ còn bốn ngón (anh được gọi thứ Sáu chỉ vì cả tay và chân chỉ còn lại sáu ngón), chân trái cụt tới đùi, tay trái cũng mất cả bàn tay, còn lú ra hai đầu xương, anh được xếp loại thương binh 1/4, tỉ lệ thương tật 81%. Huy về nhà và biết rằng mình đã thành gánh nặng cho vợ con. Cái dáng người cao lớn, vạm vỡ ngày nào của anh nay đi phải chống nạng gỗ lệch một bên; cánh tay trái chìa ra hai đầu xương có lúc cũng phải dùng tới như để giữ lưng quần khi anh thay quần áo, để chống đỡ nhè nhẹ khi anh trở mình. Có đêm anh thao thức trách trời, trách đất sao bãi mìn đó không giết chết anh đi, để vợ con anh được hưởng tiêu chuẩn chính sách gia đình liệt sĩ mà không phải chịu gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng anh, một con người tàn phế đến ngay chuyện thực hiện thiên chức làm chồng anh cũng không tự mình làm được. Bảo sao Thu - mẹ ruột con Hiền không bỏ anh ra đi cho được?
Những ngày đầu, anh về nhà, vợ anh cố làm ra vẻ tự nhiên để tránh cho anh mặc cảm là người sống thừa, là gánh nặng. Anh quanh quẩn lê lết khiến sàn nhà bằng gỗ láng bóng. Bước ra khỏi nhà, anh chống nạng đi tới, đi lui chẳng làm được chi. Thế rồi, nghe lời bạn bè thúc giục, vợ anh bàn tính bán năm công đất để lấy tiền làm vốn đi mua bán quần áo "nghĩa địa", thứ hàng quần áo cũ người ta đóng thành từng kiện loại 50 ký, hay 100 ký đưa vào nước mình qua đường biên giới. Anh ở nhà lo chăm sóc con cho vợ đi mua bán.
Thu đi buôn một thời gian, mỗi chuyến mỗi lời khiến cho cuộc sống gia đình đỡ hơn những ngày làm ruộng. Nhưng ngày mỗi ngày, Huy cảm thấy Thu dần dần tuột khỏi tầm tay của mình. Thu càng ngày càng ăn diện hơn. Trong sinh hoạt vợ chồng, anh cũng có những ham muốn tột cùng, nhưng không có khả năng thực hiện trách nhiệm làm chồng một cách trọn vẹn, nên thường gây cho Thu cảm giác khó chịu đến cáu gắt, dần dần Thu lạnh lùng lẩn tránh. Huy đã tự trách mình không làm được gì giúp vợ con mà còn nảy lên trong đầu những băn khoăn lo lắng vô cớ trước những chuyến đi xa năm bảy ngày mới về của vợ. Và điều anh lo lắng đã thành sự thật: Thu đã bỏ đi biệt xứ, theo một người đàn ông khác không chút luyến tiếc khi bé Hiền còn thơ dại. Đau đớn hơn, cô ấy đã mang đi cả vốn liếng duy nhất của gia đình anh vì ruộng đất đã không còn… Số tiền chính sách hàng tháng ít ỏi không đủ để anh cùng mẹ già và đứa con nhỏ dại sinh sống. Trước kia, má anh ở nhà còn đảm đương chuyện chăm sóc bé Hiền, khi vợ anh bỏ đi, bà đi bán khoai lang, anh phải cố gắng trông chừng con. Bản thân anh, với một chân, một tay còn lại, tất cả chỉ có sáu ngón, anh tự chăm sóc cho mình đã khó huống chi phải chăm sóc cho con. Nhưng anh cố giảm bớt gánh nặng cho má. Mỗi khi ăn, khi uống, khi tắm rửa, thay đồ… cho mình, cho con, biết bao lần anh đã rơi nước mắt.
Có lần, rối trí, anh lén lấy ít tiền chính sách để mua vé số. Anh mua chút hy vọng mỏng manh biết đâu có ngày vô lô độc đắc thì gia đình anh sẽ đổi đời, má anh đỡ vất vả và con anh còn có chút tương lai. Lần đầu, anh bất ngờ trúng giải bảy, giải tám gì đó. Những ngày tiếp theo, anh tiếp tục dốc số tiền ít ỏi vào trò chơi may rủi. Hy vọng thì vẫn phải hy vọng, nhưng vốn liếng anh chẳng có bao nhiêu nên chẳng mấy chốc mà nợ chồng thêm nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, đến độ anh chỉ còn nước trông mong trúng số độc đắc mới có thể trả được… Người cho vay một phần vì ham lời, một phần cũng tin rằng anh không bao giờ quỵt nợ…
[FLOATLEFT]
[/FLOATLEFT] Minh họa: Đào Quốc Huy. Thật đúng như vậy, gia đình anh tuy nghèo nhưng chưa bao giờ để mất uy tín với xóm làng, cho nên khi các chủ nợ đòi quá, chuyện đổ bể, mẹ anh đã kêu người ta bán đi căn nhà để trả nợ và cắn răng dựng căn chòi tre lá ở trên nền đất cũ. Xót xa, hối hận, anh thấy rõ tội lỗi của mình đã làm khổ mẹ khổ con. Đêm đó, anh thức giấc, lẳng lặng cầm gói thuốc chuột trên tay với ý nghĩ sẽ tự kết liễu cuộc đời mình. Anh lết tới manh đệm để nhìn mẹ già và con dại lần cuối. Bé Hiền đã được năm tuổi, nó đang ngủ ngon lành, đầu gác trên cánh tay khẳng khiu của bà nội. Huy nhận ra, mẹ anh mấy năm nay già nhanh hơn, ốm yếu, còm cõi… Anh chết đi rồi, má sẽ đỡ lo cho anh… Nước mắt ứa ra, lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của anh. Huy chợt băn khoăn, má anh sẽ sống được bao lâu nữa? Và bà có đủ sức chịu đựng không khi anh từ giã cuộc đời này. Nếu không may, bà có mệnh hệ nào thì con anh sẽ ra sao? Nhìn bé Hiền hồn nhiên trong cơn mê ngủ đã lòn tay vào áo, sờ ngực bà nội mà Huy không cầm được nước mắt… Anh lẳng lặng lết ra hiên nhà, ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao, tự nguyền rủa mình: "Chết lúc này là trốn tránh trách nhiệm, là hèn nhát, là không phải con người"… Huy đã quăng gói thuốc chuột xuống con mương bên cạnh nhà và lết vào mùng, nằm gác tay lên trán với biết bao ý nghĩ miên man…
Ngày con Hiền vào lớp Một, Huy được xã cất cho một căn nhà tình nghĩa, cột vuông, mái lợp thiếc, kín mưa, kín nắn. Chỉ tội căn nhà trống hoác, không giường, không tủ gì… Anh bảo như vậy cho tiện vì mình què quặt. Thật ra cả nhà chỉ trông cậy vào tiền chính sách của anh và chút ít tiền lời từ sề khoai lang của má anh, đâu dư dả chi mà mua sắm. Nhỏ Hiền đến trường được miễn tất cả các khoản đóng góp, lại còn được tặng cặp sách, tập vở, viết… đã an ủi anh phần nào. Anh giúp mẹ việc trông nhà, nấu nồi cơm; hằng ngày bé Hiền theo bà nội đến trường, bà mang theo sề khoai lang bán cho học trò và lo chuyện chợ búa. Một hôm, anh đang ngồi bên bếp lửa, bé Hiền hớt hơ hớt hải chạy về cho anh hay, má anh xỉu ở cổng trường, người ta đưa ra trạm xá của xã rồi. Huy chống nạng dắt con đến trạm xá thăm má và cảm nhận được những khó khăn chồng chất sắp đến khi má anh ngã bệnh.
- Không sao đâu, đừng lo, má chỉ bị cảm thường. Chỉ cần tĩnh dưỡng vài ngày sẽ khoẻ…
Huy bần thần nhìn má, nhỏ bé, còm cõi trên giường bệnh mà không khỏi xót xa. Má anh gần đây ít ngủ, ít ăn và ngày ngày phải vất vả bán buôn. Hằng ngày bà đội sề khoai lang trên đầu ngược xuôi trên con đường làng, lúc nắng chang chang, khi thì mưa gió lạnh lẽo… Đáng ra, ở tuổi này má phải được nghỉ ngơi… Huy nói lời cảm ơn Hạnh - cô gái đã đưa mẹ mình vào trạm xá.
Ở cái làng nhỏ bé này, ai chẳng biết Hạnh, con bà Năm xóm trong. Hạnh có một quá khứ đầy tai tiếng nên ít ai chịu giao du thân mật. Mới tuổi mười bảy, Hạnh ham coi cải lương và có một lần đoàn cải lương về diễn ở đình làng, đoàn hát đi, cô bé đã khăn gói trốn theo anh chàng diễn viên phụ thường đóng vai quân hầu với bao ước mơ hão huyền… Sau hai năm trời phiêu bạt theo "tiếng gọi tình yêu", Hạnh bị anh chàng nghệ sĩ phụ bạc và quay về làng với đứa con èo uột. Đứa nhỏ đã mất khi chưa kịp biết nói. Có lẽ, đã từng trải với đời nên khi về làng, Hạnh bất chấp dư luận gièm pha. Với gánh xôi trên vai, ngày ngày cô đi khắp ngõ ngách của làng. Hạnh và má anh gặp nhau hằng ngày nên hai người quen biết và thân thiết với nhau.
Hôm sau, khi đưa má anh về nhà, Hạnh mua đồ, nấu cơm và ăn một cách tự nhiên cùng với cả nhà anh. Huy thấy trong đôi mắt của má mình ánh lên tia hy vọng mỗi khi nhìn Hạnh. Ăn cơm xong, Hạnh dọn dẹp và rửa chén, mặc cho anh và má mình cản ngăn. Cô nàng còn bạo miệng:
- Bác và anh không chê, tui về làm dâu nhà này liền…
Hạnh về rồi, bỗng nhiên anh có cảm giác trống vắng. Bé Hiền nhờ anh ôn bài xong đã ngủ. Anh nghe tiếng mẹ già trở mình, biết bà vẫn còn thức, anh nhỏ nhẹ thưa:
- Má yếu lắm rồi, thôi đừng đi bán hàng rong nữa, lỡ có bề gì…
-Tao không đi bán thì làm sao mà sống… Hàng xóm láng giềng cũng chỉ giúp được đôi lần, đâu ai nuôi mình được. Còn vay mượn để mà ăn thì cũng sẽ tới ngày bán cả căn nhà này đi. Phải chi còn mẹ con Hiền…
-Thôi má đừng nhắc đến Thu nữa… Con cũng không oán trách gì cô ấy đâu. Ai đâu chịu đựng nổi số kiếp phải gánh lấy gia đình mình.
- Có đó… có con Hạnh muốn gánh đó… - Má anh trả lời tỉnh queo, y như nói đùa. Anh thở dài, nhỏ giọng:
- Cô ta nói vui vậy thôi. Thân thể con tật nguyền như vầy còn làm chồng, làm cha gì được. Má con Hiền cũng vì vậy mà bỏ đi…
- Đó là với đứa vô lương tâm… Con Hạnh lỡ lầm một lần, bị miệng đời dè bỉu, chớ nó là đứa tốt bụng, giỏi giang… Nó mà thiệt bụng ưng mày là tao có chết cũng yên lòng…
Sáng hôm sau, gánh xôi ngang nhà, Hạnh đưa vô ba gói và hỏi má anh muốn ăn gì cô ta đi chợ giùm… Nhìn Hạnh với chiếc nón lá che trên đầu, gánh gánh xôi trên vai bước từng bước nhịp nhàng trên con đường làng, mái tóc đen dài kẹp hờ phía sau che bớt lưng áo ướt mồ hôi với giọng rao ngọt ngào "Ai mua xôi…" mà lòng Huy xôn xao. Bán xong, trưa về, Hạnh ghé lại làm cá, nấu cơm, nấu canh và cùng cả nhà Huy ăn tự nhiên. Má anh vui miệng nói:
- Mày có chịu làm má con Hiền không Hạnh?
-Y, chỉ sợ cha con nó không chịu thôi… Thứ mất nết như con ai mà thèm bác ơi!
Hạnh nói với giọng tỉnh bơ và bưng mâm chén ra sau bếp rửa; xong, cô còn mang thau đồ dơ đi giặt và kêu con Hiền ra cho cô tắm rửa, kỳ cọ. Huy lẳng lặng nhìn dáng hình nở nang, đầy đặn của Hạnh trong bộ đồ bà ba đen; thân hình "gái một con trông mòn con mắt" làm anh chợt đỏ mặt khi ý nghĩ thèm muốn len lén hiện trong đầu. Nhưng nhớ đến cảnh cáu gắt, bực bội của Thu sau mỗi lần ái ân mà lòng anh chạnh lại. Cảm giác buồn bực, bất lực chán chường. Mấy hôm sau, má anh khỏi bệnh, bà lại nấu khoai đi bán. Hạnh tới nhà gặp anh, giọng cáu gắt:
- Sao lại để cho bác Hai đi bán khoai vậy?
- Thì… thì…
- Anh không tính được cách nào sao? Anh không thấy bác ấy lụm cụm thế nào đâu. Phải kiếm cách khác kiếm sống chứ…Anh còn là con của bác ấy, là cha của con Hiền, có phải là thứ bỏ đi đâu…
Hạnh bỏ dở câu nói và trề môi nhìn anh với cái nhìn khinh khiến anh thấy bị sỉ nhục, nhưng quá đột ngột, anh không kịp đối đáp lại.
-Thì…
-Thì cái gì hả. Anh là đàn ông mà không biết tính gì hết. Cụt tay, cụt chân chớ có phải khùng điên gì sao mà không còn làm ăn được… Nhà ngay ngã ba đường, mượn một số vốn mua ba thứ lặt vặt về bán. Xóm này, nhà nào cũng có lúc cần chút đường, chút muối, tiêu tỏi, bột ngọt, dây chì, đinh… các thứ. Nói thiệt, nhà tui ngay ngã ba này, tui đóng cái tủ bán thuốc lá, bán đá bào, bán vé số cũng thu lời gấp ba lần đi bán dạo. Anh cứ tự cho mình là thứ bỏ đi thì còn làm được gì… Anh phải biết sống cho ra sống chớ.
Hạnh về rồi, Huy mới tự trách mình. Anh phải đâu lú lẫn mà không biết tính toán. Nhưng bản thân anh không thắng được cái mặc cảm tật nguyền của mình nên không dám làm gì hết. Đã bao lần, anh Chín bên Đảng ủy xã, chú Tư ở Hội Cựu chiến binh gợi ý kêu anh tìm chuyện làm ăn, họ sẽ hỗ trợ cho, nhưng anh cứ sợ mình làm không được, mang nợ …
Huy khép cửa nhà, chống nạng đi đến Ủy ban xã. Sau khi nghe anh trình bày, anh Chín cười ha hả và kêu anh Dũng, Chủ tịch Ủy ban qua bàn ngay… Trước mắt, Hội Cựu chiến binh cho anh mượn một số vốn, Ủy ban sẽ đưa gia đình anh vô diện vay vốn xóa đói giảm nghèo…
Từ đó, anh cùng má trông coi cái tiệm tạp hóa phục vụ tiêu dùng cho bà con trong ấp. Anh làm được tất cả mọi chuyện cân đong, đo đếm. Má anh đi mua hàng, chợ búa, bếp núc cũng không vất vả lắm. Anh phục và mang ơn Hạnh vô cùng. Từ khi rời quân ngũ, gặp anh, ai cũng ân cần chia sẻ, động viên, nhưng chưa ai dám nói nặng lời như Hạnh. Cái cô gái "mất nết" ấy hung dữ quá, hèn chi không ai dám lấy. Cũng vì lần bị sỉ nhục đó mà anh thức tỉnh, chịu nhìn lại mình: Anh đâu phải đồ bỏ đi…
Tiệm tạp hóa của Huy đã phất lên nhanh chóng, nhất là lúc Hạnh chịu về làm bà chủ. Nhớ cái hôm cúng ông bà mâm cơm và ra mắt láng giềng cô dâu mới, má anh khấn vái cầu ông bà phù hộ cho vợ chồng anh hạnh phúc. Anh Chín nói vui: - Mày với con Hạnh thành vợ thành chồng, sớm có cháu cho bà Hai ẵm bồng, cho con Hiền có em nghen…
Chú Tư "cựu chiến binh" còn tếu:
- Chà chà, thằng Huy bây giờ về sau sẽ ngon lành cho coi. Hổng biết "súng ống" để lâu có còn xài được không nữa…
Huy đỏ mặt ngượng ngùng không dám nhìn ai, nhưng Hạnh đã lém lỉnh đáp lại: - Để lâu thì để lâu, báng súng sứt mẻ thì nhằm nhò gì. Còn nòng súng, còn cò, còn đạn là còn bắn được mà… Không tự bắn được thì tui giúp cho, không lo đâu chú ơi…
Quả thật, hổng lâu sau, má anh đã được bồng ẵm thằng Hậu. Con Hiền đã có em… và anh được bà con hàng xóm đặt cho biệt danh: "Anh Sáu Huy Hoàng".
(Truyện ngắn của Mai Bửu Minh)


Nguồn đọc thêm: www.xaluan.com
 
Bài tương tự bạn quan tâm

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,113
Bài viết
63,332
Thành viên
86,294
Thành viên mới nhất
noithatdiemnhan1

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN