Định giá tài sản vô hình trong doanh nghiệp |
Ngay từ đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu kinh tế đã bước đầu tiếp cận với khái niệm tài sản vô hình bằng việc nhận diện được các giá trị vô hình của một số tài sản cụ thể. Theo thời gian, khái niệm về tài sản vô hình ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các phân tích kinh tế và cho đến ngày nay khai niệm này đã trở thành một thực tế khách quan, tồn tại và hiện hữu khi người ta nói về một tài sản, mà đặc biệt là tài sản trong doanh nghiệp (tại nhiều quốc gia trên thế giới, khái niệm tài sản vô hình và giá trị tài sản vô hình đã được thể chế hoá trong các văn bản pháp lý). Vậy, tài sản vô hình là gì?. Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Thẩm định giá quốc tế “Tài sản vô hình là những tài sản thể hiện ra bằng những lợi ích kinh tế, chúng không có cấu tạo vật chất, mà tạo ra những quyền và những ưu thế đối với người sở hữu và thường sinh ra thu nhập cho người sở hữu chúng”. Cũng giống như các tài sản thông thường, tài sản vô hình có đặc điểm: một là, gắn liền với chủ thể nhất định; hai là, mang lại lợi ích cho chủ thể đó. Ngoài những đặc điểm nêu trên, tài sản vô hình còn có đặc điểm nổi bật, mà chính nhờ đặc điểm này người ta dễ dàng “nhận ra” chúng, đó là không có hình thái vật chất cụ thể. Hiện nay tồn tại nhiều cách phân loại tài sản vô hình khác nhau. Theo Luật thuế thu nhập của Mỹ, tài sản vô hình có thể chia làm 6 loại cơ bản: - Các sáng chế, phát minh, công thức tính, quy trình, mô hình, kỹ năng. - Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật. - Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá. -Thương quyền, giấy phép, hợp đồng. - Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật. - Các thứ “tương tự” khác. Một thứ được gọi là tương tự nếu nó tạo ra giá trị không phải nhờ vào các thuộc tính vật chất mà nhờ vào nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó. Trong nền kinh tế thị trường, một trong những mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp là phải làm gia tăng được giá trị của doanh nghiệp mình, giá trị này bao gồm cả giá trị của tài sản hữu hình và giá trị của tài sản vô hình. Điều này muốn khẳng định lại một lần nữa, giá trị tài sản vô hình trong doanh nghiệp là một đại lượng có thật và trong nhiều trường hợp có giá trị rất lớn, thậm chí lớn hơn nhiều giá trị của những tài sản hữu hình trong doanh nghiệp cộng lại. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, tỷ lệ trung bình giữa giá trị thị trường (dựa vào giá cổ phiếu trên thị trường) với giá trị sổ sách (dựa vào bảng cân đối kế toán) của các Công ty là 1/1, thì theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế đến thời điểm hiện nay tỷ lệ này đã lên tới 6/1. Minh chứng tiêu biểu, đó là trường hợp của Công ty Microsoft, năm 1996, tỷ lệ giữa giá trị thị trường với giá trị sổ sách lên tới 85/1; năm 1997, tỷ số này ở Công ty Coca Cola là 9/1. Năm 2002, Tạp chí Business Week hợp tác cùng Tập đoàn Interbrand công bố danh sách 100 thương hiệu hàng đầu thế giới (thương hiệu là 1 loại tài sản vô hình quan trọng của các doanh nghiệp): dẫn đầu là Coca Cola (68,945 tỷ USD), tiếp đó là Microsoft (65,068 tỷ USD), IBM (52,752 tỷ USD), General Electric (42,396 tỷ USD), Intel (34,665 tỷ USD), Nokia (35,035 tỷ USD), Disney (32,691 tỷ USD), Mc Donald’s (25,289 tỷ USD), Marboro (22,053 tỷ USD), Mercedes (21,728 tỷ USD)... năm 2003, số liệu tương ứng như sau: Coca Cola (69,637 tỷ USD), Microsoft (64,09 tỷ USD), IBM (51,188 tỷ USD), General Electric (41,311 tỷ USD), Intel (30,861 tỷ USD, Nokia (29,970 tỷ USD), Disney (29,256 tỷ USD), Mc Donald’s (26,375 tỷ USD), Marlboro (24,151 tỷ USD), Mercedes (21,101 tỷ USD)... Ở Việt Nam cũng đã có một số Công ty xác định giá trị nhãn hiệu hàng hoá của mình như: giá trị nhãn hiệu của Công ty P/S là 5,3 triệu USD, nhãn hiệu Bia Sài Gòn là 9,5 triệu USD... Tất cả những điều trên muốn nói rằng, khi xem xét đánh giá một doanh nghiệp không thể không đi vào đánh giá yếu tố vô hình trong đó, bởi vì doanh nghiệp khác với các tài sản thông thường, đây là một thực tể động và có sự tham gia của con người. Cũng chính nắm bắt được tầm quan trọng của tài sản vô hình và chiều hướng phát triển không ngừng về mặt giá trị của tài sản vô hình, nhiều nước đã nhanh chóng tập trung mọi nỗ lực đầu tư cho loại tài sản mới này. Theo số liệu của Chính phủ Hà Lan, năm 1992, đầu tư vào tài sản vô hình chiếm đến 35% tổng vốn đầu tư của nhà nước cũng như của tư nhân ở Hà Lan. Còn tại Mỹ cũng trong năm này, vốn đầu tư cho các tài sản vô hình đã vượt vốn đầu tư cho các tài sản hữu hình. Ở Thuỵ Điển, nguồn đầu tư cho các tài sản vô hình chiếm đến 20% GDP... Chính vì thế, việc xác định giá trị của tài sản vô hình trong doanh nghiệp là một đòi hỏi khách quan của nền kinh tế. Vậy làm cách gì để nhận dạng được tác tài sản vô hình và chúng ta có thể định giá được giá trị của tài sản vô hình trong 1 doanh nghiệp không ? Câu trả lời ở đây là hoàn toàn có thể, chỉ có điều giá trị tính ra độ chuẩn xác tới đâu còn tuỳ thuộc vào các phương pháp định giá, tuỳ thuộc vào độ tin cậy của các thông tin thu thập, tuỳ thuộc vào trình độ xử lý thông tin và kỹ năng nghề nghiệp của nhà định giá. Hiện nay có 2 cách tiếp cận chính trong việc xác định giá trị của tài sản vô hình trong doanh nghiệp: thứ nhất, trực tiếp đi vào đánh giá giá trị của tài sản vô hình; thứ hai, bằng phương pháp gián tiếp, tính toán thông qua việc xác định giá trị doanh nghiệp tổng thể sau đó trừ đi giá trị của tài sản hữu hình trong doanh nghiệp đó, cụ thể: Hướng thứ nhất - trực tiếp đi vào đánh giá giá trị của tài sản vô hình. Theo hướng này có phương pháp cơ bản sau: Thứ nhất: Các phương pháp chi phí: các phương pháp này dựa trên cơ sở cho rằng giá trị của một tài sản được đo bằng chi phí để làm ra tài sản đó. Và hiện tại, có 2 phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình dựa trên chi phí: một là, phương pháp chi phí quá khứ và hai là, phương pháp chi phí tái tạo. Phương pháp chi phí quá khứ: để xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp, người ta đi vào trực tiếp xác định và tổng hợp các chi phí đã phát sinh trong quá trình xây dựng tài sản vô hình đó. Phương pháp này có ưu điểm, chỉ ra được những chi phí cụ thể để tạo ra tài sản vô hình. Tuy nhiên, nó lại chứa đựng nhược điểm lớn, đó là chi phí không phản ánh giá trị thị trường hiện tại của tài sản vô hình, đồng thời phương pháp này không tính đến những lợi ích mà tài sản vô hình mang lại trong tương lai. Phương pháp chi phí tái tạo: phương pháp này đi vào tính toán tất cả các chi phí cần thiết hiện nay để tạo dựng tài sản vô hình như hiện tại. Như vậy, phương pháp chi phí tái tạo cho phép xác định giá trị tài sản vô hình với giá trị thị trường hơn, nhưng một trong những khó khăn của phương pháp này là khó khăn khi xác định các chi phí hiện tại tương đương để hình thành ra tài sản, đặc biệt khi tài sản đó lại là tài sản vô hình. Thứ hai: Phương pháp tính siêu lợi nhuận: phương pháp này dựa trên cơ sở cho rằng 1 doanh nghiệp có thể đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động, bởi vì doanh nghiệp đó có tài sản vô hình. Cho nên, giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp chính là giá trị hiện tại của dòng siêu lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được trong tương lai. V = ∑ (n SLN[SUP]t [/SUP]/ t=1 (1+i)[SUP]t[/SUP]) Trong đó: V: giá trị tài sản vô hình SLN[SUP]t: [/SUP]siêu lợi nhuận năm t i: tỷ lệ chiết khấu n: năm Cách tiếp cận này cũng tương tự như cách tiếp cận trong việc xác định lợi thế thương mại, được nêu ra trong Thông tư 126/2004/TT-BTC, ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính. Việc xác định giá trị tài sản theo phương pháp này có ưu điểm nổi trội đó là đã tính đến khả năng đóng góp và lợi ích mà tài sản vô hình mang lại trong tương lai, từ đó, giá trị tính toán ra có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên, phương pháp này gặp khó khăn trong việc lập luận về dòng siêu lợi nhuận trong tương lai, cũng như khó khăn trong việc xác định các tham số như: n, i... Hướng thứ hai – gián tiếp tính toán thông qua việc xác định giá trị doanh nghiệp tổng thể sau đó trừ đi giá trị của tài sản hữu hình trong doanh nghiệp đó. Theo hướng này, trước hết chúng ta đi vào xác định tổng thể giá trị doanh nghiệp (bao gồm cả giá trị sản sản hữu hình và giá trị tài sản vô hình) bằng các phương pháp khác nhau, như các phương pháp chiết khấu dòng tiền... sau đó đi vào đánh giá trực tiếp giá trị của các tài sản hữu hình trong doanh nghiệp bằng phương pháp tài sản (nếu công tác kế toán ở đình độ cao, chung ta có thể lấy trực tiếp kết quả trong bảng cân đối kế toán, còn không thì phải đi vào đánh giá lại toàn bộ giá trị của các tài sản hữu hình trong doanh nghiệp theo giá thị trường – như phương pháp tài sản trong Thông tư 126/2004/TT-BTC, ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính). Khi đã xác định được 2 đại lượng nêu trên, chúng ta nhanh chóng tìm ra được giá trị của tài sản vô hình trong doanh nghiệp bằng cách lấy giá trị tổng thể của doanh nghiệp trừ đi giá trị của tài sản hữu hình đã đánh giá lại theo giá thị trường của doanh nghiệp đó. Đóng góp của phương pháp này chính là sự thuận lợi hơn trong kỹ thuật tính toán giá trị doanh nghiệp tổng thể, cũng như giá trị tài sản hữu hình, và nếu 2 đại lượng đó được xác định đáng tin cậy, thì giá trị tài sản vô hình tính ra có độ chính xác rất cao. Tuy vậy, phương pháp này cũng chứa đựng nhược điểm là khó khăn khi dự báo về dòng tiền tương lai mà doanh nghiệp tạo ra, cũng như khó khăn trong việc xác định các tham số n, i... và việc tổng hợp chuẩn xác giá trị thị trường của các tài sản hữu hình trong doanh nghiệp cũng không phải là điều dễ dàng. Trên đây, chỉ là một vài trao đổi cơ bản của người viết xoay quanh việc xác định giá trị tài sản vô hình trong doanh nghiệp. (Nguồn: TCNCTCKT) |
Bài tương tự bạn quan tâm
ví dụ định giá doanh nghiệp theo 2 phương pháp thu...
- Thread starter acronis_9x
- Ngày bắt đầu
Định giá tài sản vô hình của doanh nghiệp
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Vấn đề xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp...
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Thông tin ROE thị trường cho việc định giá Doanh nghiệp
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Định giá công ty Sửa Vinamilk theo mô hình chiết...
- Thread starter Mr LNA
- Ngày bắt đầu
Báo cáo định giá doanh nghiệp
- Thread starter pqaneu
- Ngày bắt đầu