KT-XH Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
Song song với việc nâng cao năng lực, hiệu quả và quy mô của ngành ngân hàng nói chung và các tổ chức tín dụng (“TCTD”) nói riêng để đáp ứng nhu cầu vốn và hỗ trợ sự phát triển kinh tế của đất nước, vấn đề nợ xấu và việc xử lý nợ xấu của các TCTD luôn nhận chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền cũng như sự quan tâm của toàn xã hội.

Theo đó, nhằm khắc phục một số tồn tại và hạn chế trong việc xử lý nợ và tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ trong xử lý nợ xấu của các TCTD, Quốc hội đã thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thôn qua việc xây dựng, ban hành nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (“Nghị quyết 42”). Sau gần 6 năm đi triển khai, số liệu thống kê cho thấy kết quả xử lý lẫn ý thức trả nợ của khách hàng đã dần được cải thiện và ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất hơn.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và sau đó là động thái thắt chặt tiền tệ và suy thoái kinh tế tại rất nhiều nơi trên thế giới đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và thu nhập của cá nhân, hộ gia đình tại Việt Nam. Điều này đã và đang tác động tiêu cực tới khả năng trả nợ của khách hàng vay và nợ xấu tại các TCTD có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới. Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Do đó, trong bối cảnh Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực vào cuối năm 2023, việc tạo ra hành lang pháp lý ổn định cho việc xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

Ngày 28/02/2023, NHNN đã tiến hành lấy ý kiến các bên liên quan về Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, bao gồm việc luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Do đó, nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu của các TCTD và hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chúng tôi xin nêu ra một số vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất các giải pháp gỡ vướng như sau:

Về thu giữ tài sản đảm bảo

Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42 quy định một trong các điều kiện để thu giữ tài sản đảm bảo (“TSBĐ”) là “TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, các TCTD hiện đang không có cơ chế tra cứu, trích xuất thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc từ các hệ thống dữ liệu sẵn có. Đồng thời, cũng chưa có văn bản hành hướng dẫn cơ chế xác định sớm hiệu quả về tình trạng tài sản có bị tranh chấp hay áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình thẩm định dẫn đến sai biệt về cách hiểu giữa các bên và các cấp chính quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết 42. Ngoài ra, việc hiểu và nắm được tinh thần của Nghị quyết 42 của một số chính quyền địa phương, cơ quan Công an cấp xã/ phường còn chưa đầy đủ nên việc hỗ trợ công tác thu giữ TSĐB còn chưa được hoàn chỉnh và thậm chí kéo dài và thêm nhiều thủ tục không cần thiết.

Về xử lý tài sản đảm bảo

Điều 131 Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi cho phép các TCTD được nắm giữ bất động sản (BĐS) do việc xử lý nợ vay trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký nắm BĐS, một số cơ quan đăng ký đất đai tại một số địa phương không đồng ý thực hiện các thủ tục đăng ký biến động cho các BĐS do TCTD nhận nắm giữ để xử lý nợ vay, kể cả các trường hợp theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Lý do đưa ra là vì các quy định pháp luật hiện hành chưa định nghĩa như thế nào là “Nắm giữ BĐS”.

Đồng thời, văn bản số 29/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ của Tổng cục đât đai ngày 07/01/2020 về việc đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp TCTD nhận chính TSĐB do xử lý nợ vay yêu cầu các TSĐB nhận bởi TCTD theo thỏa thuận tại Hợp đồng thế chấp phải đảm bảo mục đích sử dụng là phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD (bao gồm dung làm trụ sở kinh doanh hay địa điểm làm việc) theo quy định tại khoản 1, điều 131, Luật Các TCTD. Việc này gây khó khăn cho các TCTD khi thực hiện phương án nắm giữ bởi vì rất ít BĐS đảm bảo đủ yêu cầu, mục đích sử dụng với TCTD trong khi về bản chất, TCTD chỉ cần nắm giữ (sở hữu có thời hạn) BĐS, vẫn được giữ nguyên mục đích sử dụng BĐS và trong thời hạn 3 năm có thể bán, chuyển nhượng để thu hồi vốn, xử lý nợ vay.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi chưa có hướng dẫn cụ thể về việc nhận chính TSĐB để thay thế nghĩa vụ trả nợ sau nhiều lần bán, đấu giá và giảm giá không có người mua, dẫn đến khả năng phải giảm giá nhiều lần trong điều kiện thị trường bất lợi, gây ra thiệt thại cho TCTD lẫn bên thế chấp.

Về công tác tố tụng tại Tòa án, Thi hành án

Điều 8 Nghị quyết số 42 cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến TSĐB tại Tòa án. Tuy nhiên, quy định này dẫn chiếu đến việc áp dụng chế định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn, bao gồm việc vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ rang, đường sự đã thừa nhận nghĩa vụ, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án. Mặc dù vậy, việc TCTD khởi kiện đến Tòa án thường chỉ được tiến hành sau khi các bên không thương lượng được việc thu hồi nợ, người vay không hợp tác hay thậm chí là chống đối, tạo ra các tranh chấp liên quan đến giá trị tài sản, bàn giao tài sản hay hiện trạng tài sản.. làm kéo dài thời gian xác minh, xem xét, thẩm định của Tòa án và vô hiệu các quy định về thủ tục rút gọn.

Ngoài ra, có phát sinh trường hợp một số giao dịch tín dụng có TSĐB của TCTD khi đưa ra tòa bị tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu hay phát sinh tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng giữa chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu hiện tại là bên bảo đảm, không chấp nhận TCTD là bên thứ ba ngay tình theo Bộ Luật Dân Sự 2015, mặc dù các TCTD không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp giữa bên bảo đảm và chủ sở hữu cũ. Hiện tại cũng không có quy định nào của pháp luật quy định TCTD phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận và việc đăng ký biện pháp đảm bảo được thực hiện hoàn chỉnh đầy đủ đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp TCTD khởi kiện về tranh chấp hợp đồng tín dụng, có tính chất phức tạp hơn về đối tượng tranh chấp và các bên tham gia tố tụng, đòi hỏi Tòa án phải thu thập chứng cứ, xác minh và đánh giá tính hợp pháp của hợp đồng tín dụng nên không đáp ứng các yêu cầu về áp dụng thủ tục rút gọn.

Thời gian giải quyết các vụ án tại Tòa án cũng rất chậm so với quy định bao gồm cả việc trả về hồ sơ sau một thời gian dài xem xét với các yêu cầu bổ sung hồ sơ không nằm trong quy định như bản chứng thực có hiệu lực trong vòng 6 tháng của Chứng minh nhân dân, hộ khẩu …của người bị kiện. Sau khi có bản án đầy đủ hiệu lực thi hành, vẫn tồn tại nhiều trường hợp chấp hành viên không thực hiện đúng các quy định về thời hạn trong thi hành án dân sự, gây khó khăn cho công tác thu hồi vốn vay.

Về mua bán nợ xấu của các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu

Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị quyết 42 thì TCTD và các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai lại rất khó khăn và vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức mua nợ xấu từ TCTD do các hạn chế trong việc thực hiện quyền thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ, thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng, quyền thi hành án…

Bên cạnh đó, việc thẩm định giá các khoản nợ xấu chưa được quy định cụ thể nên phần lớn các doanh nghiệp thẩm định giá đều vận dụng hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam, vốn áp dụng chung các loại tài sản để thực hiện, dẫn đến các mức định giá có sự chênh lệch lớn, gây ra khó khăn cho việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.

Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự

Điều 14, Nghị quyết 42 quy định “ sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng ”. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể điều này nên việc hoàn trả vật chứng phụ thuộc nhiều vào quan điểm chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến chậm trễ và kéo dài trong việc xử lý tài sản thu hồi nợ xấu của TCTD.

Mặt khác, Ðiều 14, Nghị quyết 42 mới chỉ quy định về việc hoàn trả TSĐB là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD, mà chưa quy định về việc hoàn trả TSBÐ là tang vật của các vụ việc hành chính cho các TCTD. Trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc TSBÐ là phương tiện vận tải bị cơ quan công án tịch thu, tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ. Các cơ quan nhà nước không hoàn trả các TSBÐ này cho TCTD do chưa có văn bản pháp luật quy định. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính như xử lý bán đấu giá TSBÐ là tang vật của vụ án hành chính theo quyết định xử lý vi phạm hành chính, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản này sẽ được sử dụng theo quy định của pháp luật mà không chuyển cho TCTD. Như vậy, việc xử lý TSBÐ là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính đã gây thiệt hại cho TCTD (TCTD bị mất TSBÐ). Trường hợp cơ quan nhà nước trả lại TSBÐ cho chủ tài sản, bên bảo đảm, sẽ làm kéo dài thời gian xử lý nợ của TCTD.

Các đề xuất và giải pháp

Thứ nhất , cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, TSĐB, kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thứ hai , cần nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông về đất, quyền sử dụng đất và cập nhật các biến động liên quan kịp thời đáp ứng yêu cầu công khai, tra cứu thông tin của các TCTD.

Thứ ba , cần nghiên cứu ban hành văn bản áp dụng thống nhất quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình đối với các TSĐB mà giao dịch chuyển nhượng và các thủ tục đăng ký đảm bảo đã tuân thủ quy định đối với loại tài sản đó.

Thứ tư , cần ban hành các văn bản giải thích rõ quyền nắm giữ tài sản của TCTD và hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký nắm giữ BĐS để xử lý nợ vay của TCTD cũng như các thủ tục bán, chuyển nhượng các BĐS đã nhận nắm giữ trong thời hạn 3 năm.

Thứ năm , cần văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về điều kiện, phương thức để TCTD được nhận nắm giữ tài sản từ việc thu giữ, xử lý TSĐB của các khoản nợ xấu. Có thể nghiên cứu áp dụng tương tự như quy định về việc nhận tài sản tại khoản 1, điều 10 thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/06/2014 Hướng dẫn một số vấn đề về xử lý TSĐB.

Thứ sáu , nghiên cứu đánh giá lại tính khả thi của quy định về áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp về TSĐB của khoản nợ xấu. Trên cơ sở đó, điều chỉnh sửa đổi các quy định liên quan trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm các nước trong cơ chế xử lý nợ xấu tại Tòa án.

Thứ bảy , nâng cao năng lực của Thẩm phán và cán bộ Tòa Án, Chấp hành viên Thi hành án và thường xuyên tổ chức các hội nghị tổng kết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tiễn đi kèm với thiết lập cơ chế đường dây nóng tiếp nhận xử lý phản ảnh của cá nhân, tổ chức về thời gian xét xử và thi hành án.

Thứ tám , sớm ban hành hướng dẫn về xử lý các TSĐB là vật chứng trong các vụ án hình sự cũng như vi phạm hành chính.

Công tác xử lý nợ xấu và TSĐB là yêu cầu thường xuyên liên tục của các TCTD nói riêng và ngành ngân hàng nói chung, song song với sự phát triển quy mô tín dụng và các sản phẩm cho vay. Các biến động kinh tế xã hội trong và ngoài nước gần đây cũng đặt ra các thách thức mới trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, do đó, rất cần sự chủ động động và tích cực hơn nữa từ chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu hiệu quả, thực chất hơn cho các TCTD và đáp ứng kỳ vọng của xã hội và đất nước.

Link bài gốc: Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,373
Bài viết
63,593
Thành viên
86,458
Thành viên mới nhất
new88supply

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN