BĐS TP HCM Nỗ lực thu hút "đại bàng": Lấy lại vị thế, không để bị soán ngôi

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,064
12
38
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2023.

Nhiều tỉnh, thành phố vượt trội

Trong 54 tỉnh, thành phố nêu trên, Hà Nội dẫn đầu với vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 2,34 tỉ USD - chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng thứ hai là TP Hải Phòng với vốn FDI đăng ký đạt hơn 2,08 tỉ USD - chiếm gần 11,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước, tăng 72,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương...

Nếu xét về số dự án FDI, TP HCM vẫn là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về dự án mới (chiếm 39,6%), số lượt dự án điều chỉnh (chiếm 23,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 67%). Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, các dự án FDI lớn nhất hằng năm chủ yếu tập trung tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương.

Riêng TP HCM, nếu như năm 2019 thu hút FDI đạt hơn 8 tỉ USD thì năm 2020 chỉ còn 4,36 tỉ USD, giảm hơn 47%. Năm 2021, TP HCM chỉ thu hút được 3,74 tỉ USD vốn ngoại, xếp sau TP Hải Phòng (5,26 tỉ USD) và tỉnh Long An (3,84 tỉ USD). Đáng chú ý, đến năm 2022, TP HCM lấy lại vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng vốn đạt hơn 4,33 tỉ USD.

TP HCM Nỗ lực thu hút đại bàng: Lấy lại vị thế, không để bị soán ngôi - Ảnh 1.


Khu Công nghệ cao TP HCM là một trong những nơi thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài khá lớn Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Những con số nêu trên phần nào phản ánh thực tế của bức tranh thu hút vốn FDI của TP HCM. TP HCM vẫn dẫn đầu về số dự án FDI thu hút được nhưng thiếu vắng những dự án quy mô lớn, những dự án hàng tỉ USD.

Phân tích nguyên nhân, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho hay việc thu hút FDI chỉ tập trung ở một số quận, huyện; chưa tạo được sức lan tỏa; chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều dự án ảnh hưởng tới môi trường... Trong khi đó, TP HCM đang phải đối mặt tình trạng kẹt xe, ngập lụt, triều cường, ô nhiễm... - những vấn đề khiến nhà đầu tư và các chuyên gia ngần ngại.

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi cung ứng chưa nhiều; giá trị sản xuất trong nước chưa cao; hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa được triển khai, chưa thành lập đội ngũ R&D trong nhà máy; hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án còn hạn chế. Đây cũng là những "điểm trừ" mà các DN, hiệp hội DN nước ngoài đã nhiều lần phản ánh và đặt hàng chính quyền TP HCM sớm khắc phục.

Thiếu quỹ đất trầm trọng, TP HCM bỏ lỡ cơ hội

Ông Trần Văn Bích, Trưởng Phòng Nghiên cứu Phát triển kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), cho rằng để hấp thụ được lượng vốn FDI và đáp ứng nhu cầu để DN nước ngoài giải ngân vốn đầu tư, thành phố cần những điều kiện cơ bản gồm: nguồn lực từ đất đai, nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư. Trong khi đó, một trong những hạn chế lớn của TP HCM là quỹ đất.

Ông Bích nêu rõ thực trạng: Các tập đoàn lớn của nước ngoài khi đến TP HCM rất khó tìm vị trí phù hợp để đầu tư dự án khi những KCX-KCN đang hoạt động gần như đã lấp đầy, quỹ đất trống không đáp ứng đủ nhu cầu; còn những KCX-KCN được quy hoạch lại thì chưa triển khai. Thậm chí, TP HCM thiếu cả quỹ đất sạch cho phát triển KCN.

Theo ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), vốn FDI hiện chiếm 45% tổng vốn đầu tư vào các KCX-KCN trên địa bàn. Vốn FDI đổ vào các khu này khoảng 260 triệu USD/năm, có năm đạt 550-600 triệu USD - chiếm 58% tổng vốn FDI của thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, 17 KCX-KCN ở TP HCM đã lấp đầy trên 80%; một số khu đã hoạt động được một nửa chu kỳ, như KCX Tân Thuận sẽ hết thời hạn thuê đất vào năm 2041... khiến các DN đang hoạt động rất cân nhắc trong việc mở rộng quy mô đầu tư.

Trong khi đó, TP HCM còn gặp nhiều khó khăn về giải tỏa đền bù và có những hạn chế trong quy hoạch. Mặc dù TP HCM được quy hoạch gần 6.000 ha đất công nghiệp nhưng có đến 1.500 ha vướng về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng.

"TP HCM đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đón nhà sản xuất lớn do không bố trí được mặt bằng cho thuê. Gần đây nhất, một nhà sản xuất lớn đặt vấn đề thuê đất ở KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè để sản xuất nhưng ban quản lý buộc phải từ chối vì không có đất giao" - ông Hà dẫn chứng.

Thực tế này cũng được các chuyên gia đưa ra và phân tích tại một diễn đàn tổ chức ở TP HCM mới đây. Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP HCM, nhận định việc thu hút FDI của thành phố những năm gần đây vẫn tích cực nhưng vấn đề quỹ đất là điểm nghẽn lớn.

"Với những dự án rất tốt, cần diện tích đất đến cả trăm hecta. TP HCM không phải không có đất nhưng chỉ có thể có sẵn vài hecta nên không thu hút được nhà đầu tư lớn. Do vậy mới có sự dịch chuyển dòng vốn từ TP HCM sang tỉnh Đồng Nai, Bình Dương..." - ông Đức phản ánh.

Liên quan đề án thí điểm chuyển đổi 5 KCX-KCN, ông Đào Xuân Đức cho hay đến giữa năm 2024 sẽ tổng kết để tiếp tục triển khai ở những nơi khác. Mục tiêu của đề án là nhằm đánh giá lại sự phát triển các KCN 30 năm qua.

"Quan điểm của TP HCM là không chuyển đổi chức năng của các khu này mà tái cấu trúc để tồn tại xen kẽ với các khu dân cư hiện hữu. Đây là bài toán về môi trường, làm sao để không ảnh hưởng đến người dân xung quanh" - ông Đức nhấn mạnh.

Nhìn rõ thực trạng, thời gian qua, TP HCM đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch KCN Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) với diện tích 668 ha. TP HCM cũng đang triển khai đấu thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN này. Đây được xem là cơ hội để có thể tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn vào thành phố. Ngoài ra, TP HCM còn một số quỹ đất khác lên đến cả ngàn hecta đang thực hiện các bước quy hoạch, đền bù, giải tỏa để đưa vào khai thác...


Cần chính sách ưu đãi cởi mở hơn

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP HCM, góp ý để thu hút FDI trong giai đoạn mới, chính quyền thành phố cần có chính sách cởi mở hơn.

"Chúng ta không nên phụ thuộc vào những chính sách mang tính chất hỗ trợ về vốn, thuế... vì xu thế đó dần không còn nữa. TP HCM nên đưa ra những chính sách kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, kinh tế xanh..." - ông Nam gợi ý.


Bài toán nguồn nhân lực

Theo ông Trần Văn Bích, TP HCM có chủ trương thu hút dự án lớn nhưng việc đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao lại là vấn đề thách thức. Chẳng hạn, chúng ta chưa có nguồn nhân lực ở tầm quốc tế để phục vụ cho những trung tâm R&D trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin. Thực tế, một số tập đoàn lớn của nước ngoài đã mở trung tâm R&D ở Việt Nam nhưng gặp khó trong tuyển dụng nhân sự.

Ngay các dự án của nhà đầu tư Nhật Bản có mặt ở Việt Nam, trong đó có TP HCM, cũng phần lớn vận hành dây chuyền gia công lắp ráp hoặc kiểm tra, đóng gói... đơn giản, sử dụng nhiều nhân lực. Ngoài ra, còn có tình trạng DN Nhật muốn chuyển mua phụ tùng, nguyên liệu thô từ Trung Quốc và Nhật Bản sang mua tại Việt Nam nhưng gặp khó khăn do liên quan giấy phép, thủ tục hành chính... Những điều này khiến việc kinh doanh tại Việt Nam của DN FDI trở nên tốn kém hơn.

Link bài gốc: TP HCM Nỗ lực thu hút "đại bàng": Lấy lại vị thế, không để bị soán ngôi
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

New Jobs

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,367
Bài viết
63,587
Thành viên
86,057
Thành viên mới nhất
thuocphathai

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN