KT-XH “Soi” mảng màu sáng, tối trong bức tranh ngành ngân hàng 2022

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
Triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào khả năng khống chế dịch bệnh COVID-19, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nếu tốc độ phục hồi của nền kinh tế tốt, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên, hoạt động cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng sẽ được tăng cường, chất lượng tài sản cũng như thu nhập của ngân hàng nhờ đó sẽ tốt hơn.

Bước sang năm 2022, những con số tăng trưởng về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ... trong những tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục khởi sắc, GDP quý 2 ước tính tăng 7,72% so với cùng kì năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021.

"Bức tranh" nhiều gam sáng

Trong bối cảnh đó, khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, "bóng đen" của đại dịch đã lùi dần, nhường chỗ cho bức tranh tươi sáng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2022. Cụ thể, 63,6% số chuyên gia và ngân hàng dự báo tăng trưởng của ngành cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức năm ngoái (58,8%).

Khoảng 9,1% số chuyên gia và ngân hàng tỏ ra thận trọng với triển vọng ngành, đáng chú ý, con số này được cho là rất tích cực nếu so sánh với thời điểm đại dịch lan rộng và phủ bóng đen lên hầu khắp các nền kinh tế, khiến cho 76,9% số chuyên gia và ngân hàng lo ngại về suy giảm tăng trưởng (tháng 6/2020).

Những gam màu sáng trong bức tranh triển vọng ngành ngân hàng đến từ tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh mẽ, tiền gửi tăng trở lại, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt, chủ yếu đến từ bancassurance và CIR cải thiện nhờ chuyển đổi số.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng năm 2021 đã trở về mức trước đại dịch (năm 2019), đạt 13,6%. Tín dụng tính đến ngày 20/6/2022 tăng 8,51% so với thời điểm đầu năm, so với mức chỉ 5,47% cùng kỳ năm trước.

Phần lớn chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 có thể đạt mức trên 14%, trong đó, cho vay bán lẻ tiếp tục là động lực chính. Theo đánh giá của các chuyên gia, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn.

Trong khi đó, lãi suất huy động huy động neo ở mức thấp, các kênh đầu tư thay thế và thu nhập cá nhân suy giảm đã gây áp lực cho tăng trưởng huy động vốn trong giai đoạn 2020-2021.

Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất bắt đầu "nóng" khoảng 3 tháng trở lại đây. Tính tới đầu tháng 6/2022, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã tăng đáng kể, đã có 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm. Lãi suất huy động tăng khiến tiền gửi nhàn rỗi "ồ ạt" quay lại ngân hàng. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy 81,8% huy động tiền gửi của các ngân hàng dự phóng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, 100% số chuyên gia và ngân hàng tham gia nhận định, thu nhập từ lãi của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn bởi chính sách quản trị rủi ro ngày càng nghiêm ngặt. Do đó, thu nhập ngoài lãi sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận.

Trong các khoản thu nhập ngoài lãi, thu nhập từ phí và hoa hồng tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2018-2021 đạt 28,3% (theo FiinReasearch). Hai nhân tố đóng góp chính vào mức tăng trưởng này chính là doanh thu bancassurance và phí dịch vụ thẻ.

Số liệu thống kê cho thấy, khoản phí thu được từ bancassurance trung bình đóng góp khoảng 31% vào tổng thu nhập phí và hoa hồng năm 2021 của các ngân hàng. Do vậy, các chuyên gia kỳ vọng thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trong ngắn hạn và trung hạn. Ngoài ra, nguồn thu nhập đến từ việc thu hồi nợ xấu đã xóa có thể là một nguồn thu nhập bất thường cho ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Nhờ việc số hóa hoạt động, CIR của hầu hết các ngân hàng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Đại dịch đã góp phần lớn làm gia tăng tốc độ tương tác của khách hàng với các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, điều này cuối cùng làm giảm chi phí cố định của ngân hàng. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, trên 54% số ngân hàng dự báo CIR năm 2022 sẽ cải thiện so với năm 2021.

Nhưng những "mảng xám" cũng dần lộ diện

Trong bức tranh toàn cảnh ngành ngân hàng, bên cạnh những mảng màu sáng như đã phân tích ở trên, những "mảng xám" cũng đã bắt đầu lộ diện một cách rõ ràng hơn ở chất lượng tài sản, khi độ trễ tác động bởi COVID-19 dần rút ngắn.

Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng bị siết chặt từ cuối năm 2019, phát hành trái phiếu đã trở thành một trong những phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp bất động sản huy động nguồn vốn để phát triển dự án.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành trong quý 1/2022 tăng khoảng 18,98% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 56.674 tỷ đồng, trong đó, bất động sản được xem là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị 28.581 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, trái phiếu bất động sản gặp nhiều biến động với hàng loạt các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư.

Theo FiinResearch, áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn trong vòng 3 năm tới của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Điều này có thể gây ra rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, đặc biệt là ngân hàng.

Một nửa số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ là trái phiếu bất động sản. Do đó, các ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ chéo do một lượng lớn trái phiếu bất động sản của các doanh nghiệp chưa niêm yết nằm trong nhóm nợ nghi ngờ.

Thống kê cũng cho thấy, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của nhà băng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu, đặc biệt là sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.

Do triển vọng về nợ xấu gia tăng vào năm 2022 nên từ cuối năm trước, phần lớn các ngân hàng đã tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như "dự phòng" lợi nhuận cho năm nay. Xu hướng này tiếp tục được duy trì khi kết quả khảo sát của Vietnam Report chỉ ra rằng, 45,5% số ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trích lập dự phòng rủi ro, 36,4% số ngân hàng duy trì mức trích lập dự phòng rủi ro như năm trước và chỉ có 18,2% giảm trích lập dự phòng rủi ro.

Dù vậy, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu khiến tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu trung bình giảm nhẹ từ 118% hồi đầu năm xuống còn 112% khi kết thúc quý 1/2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu công bố có thể sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2022, sau khi Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực. Theo đó, việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu của các ngân hàng lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, bộ đệm an toàn vốn của hệ thống được đánh giá là vẫn còn mỏng. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, nhóm ngân hàng cần thực hiện các chuẩn mực quốc tế cao hơn như Basel II, Basel III… nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tăng khả năng cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực.

Một trong số những chỉ tiêu quan trọng về quản trị rủi ro là tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Theo FiinResearch, tỷ lệ CAR của các ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức 11,3% trong năm 2021, khá thấp so với các nước trong khu vực, và có dấu hiệu suy giảm trong quý 1/2022, một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn hầu như không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn của Basel II.

Tỷ lệ CAR giảm một phần là do các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận Basel II, với yêu cầu tính tài sản có rủi ro chặt chẽ hơn, đồng thời các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản… cũng bị áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn.

Dù vốn điều lệ của các ngân hàng tăng khá tốt trong năm 2021 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nhưng theo quan sát, tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm lại.

Trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng ngày một tăng, trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm nay của 36,4% số ngân hàng, tăng 8,6% so với năm ngoái (theo khảo sát của Vietnam Report). Theo đó, hơn 54,6% số ngân hàng cho biết tăng vốn điều lệ là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, tăng đáng kể so với mức 44,4% của năm trước.

Link bài gốc: “Soi” mảng màu sáng, tối trong bức tranh ngành ngân hàng 2022
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

News

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,417
Bài viết
63,636
Thành viên
86,445
Thành viên mới nhất
kubet36vip

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN