KT-XH Ngân hàng tuần qua: 27 nhà băng báo lãi 65.000 tỷ trong quý 1, NHNN ban hành loạt chính sách quan trọng

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
TIN MỚI

TOP 10 lợi nhuận ngân hàng quý 1 lộ diện

Quý 1/2023, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng TMCP đang giao dịch trên sàn chứng khoán đạt trên 65.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của TOP 10 ngân hàng là gần 53.000 tỷ.

Danh sách 10 nhà băng có lãi cao nhất vẫn là những cái tên quen thuộc, tuy nhiên thứ hạng có sự xáo trộn mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Vietcombank chứng tỏ được “đẳng cấp” của mình khi báo lãi trước thuế 11.221 tỷ đồng trong quý 1/2023, tăng 13% so với cùng kỳ và cao nhất hệ thống.

BIDV gây bất ngờ khi từ vị trí thứ 6 nhảy vọt lên vị trí “á quân”. Lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng đạt 6.920 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.

MB đứng Top 3 với lợi nhuận trước thuế 6.512 tỷ đồng, tăng 1 bậc so với cùng kỳ. Trong khi đó, Techcombank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 17% nên từ vị trí Top 3 rơi xuống vị trí Top 5.

VietinBank ghi nhận lợi nhuận 5.890 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ, đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.

ACB, SHB, HDBank, VIB lần lượt đứng vị trí thứ 6, 7, 8, 9 trong bảng xếp hạng. Lợi nhuận của 4 ngân hàng này đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank chỉ đạt 2.550 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái và theo đó VPBank chỉ còn đứng vị trí thứ 10.

NHNN dồn dập ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa liên tiếp ban hành 2 thông tư quan trọng liên quan đến việc cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ và hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD.

Cụ thể, ngày 23/4/2023, Thống đốc đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Thời gian triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (24/4) đến hết ngày 30/6/2024.

Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. Ngân hàng Nhà nước trao quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ..

Cùng ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN từ ngày 24/4/2023 đến hết 31/12/2023.

Trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành điều khoản này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM (TPDN chưa niêm yết) mà TCTD đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi đáp ứng các quy định liên quan.

NHNN ra chỉ đạo mới về tín dụng bất động sản

Phát biểu tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngày 24/4/2023 NHNN đã có Công văn số 2931/NHNN-TD chỉ đạo TCTD về vấn đề tín dụng bất động sản (BĐS).

Theo đó, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao;

Đồng thời, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp đang dư thừa nguồn cung/BĐS không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ BĐS, làm giá, lũng đoạn thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn;…

Họp với Thủ tướng, nhóm 'Big 4' đồng thuận giảm thêm lãi suất

Sáng ngày 25/4, Thủ tướng đã họp với NHNN và các Ngân hàng thương mại Nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tại cuộc họp với Chính phủ sáng ngày 25/4, các ngân hàng TMCP Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Trong thời gian tới, định hướng NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động

Trong tuần qua ghi nhận một loạt ngân hàng tư nhân giảm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1 – 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Trong đó, MB giảm 0,2 - 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. VPBank giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong khi các kỳ hạn này được SCB giảm 0,2-0,4 điểm % từ ngày 25/4.

HDBank giảm 0,2 điểm % tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng từ ngày 24/4. MSB giảm 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 13 thàng trở lên.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong sáng ngày 29/4 cho thấy, mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 12 tháng hiện là 8,8%/năm. Mức lãi suất này được ABBank và OCB áp dụng cho các khoản tiền gửi trực tuyến.

Dưới OCB và ABBank, một số ngân hàng nhỏ áp dụng mức lãi suất 8,5 – 8,7% cho kỳ hạn này như Nam A Bank (8,7%), Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), GPBank (8,5%), Kienlongbank (8,5%).

Ngoài VPBank, nhóm ngân hàng tư nhân lớn đều đã đưa lãi suất tiền gửi 12 tháng xuống còn trên dưới 8% như SHB (7,9%), Techombank (7,8%), ACB (7,75%), Sacombank (7,6%), MB (7,3%).

Sacombank: Chủ tịch Dương Công Minh trả lời cổ đông về vấn đề cổ tức

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức ngày 25/4, cổ đông chất vấn lãnh đạo Sacombank vì sao lợi nhuận cao, giá trị cổ phiếu tăng nhưng Sacombank nhiều năm liên tục không chia cổ tức.

Trả lời cổ đông, ông Dương Công Minh - chủ tịch hội đồng quản trị Sacombank - cho hay ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu. Hiện nay, Sacombank đã cơ bản xử lý xong nợ xấu, còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan. Ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước cho phép bán đấu giá cuối năm nay.

"Trong năm 2023 Sacombank sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá số cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông. Tôi là cổ đông lớn nhất và cũng muốn được chia cổ tức, chứ không muốn ngâm mãi", ông Dương Công Minh khẳng định.

Đồng thời, ông Dương Công Minh cũng cho biết ngân hàng xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và sang năm Sacombank sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức.

Cổ đông MB chất vấn ban lãnh đạo về tín dụng bất động sản

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra vào ngày 25/4, cổ đông MB đã đưa ra nhiều câu hỏi đối với ban lãnh đạo về vấn đề tín dụng bất động sản.

Phản hồi thắc mắc của cổ đông, ban lãnh đạo MB cho biết, hiện dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 7,8% trong tổng cho vay của ngân hàng, thuộc top có tỷ lệ cho vay thấp nhất thị trường.

Với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp.

Novaland là thương hiệu lớn trên thị trường, MB có cho vay và phát hành trái phiếu, nhưng MB quản lý từng dự án cụ thể. Hiện dư nợ giảm tương đối lớn, không còn nhiều như đầu năm. Năm 2023, dự kiến không phát sinh nợ xấu từ Novaland. Chúng tôi đang phối hợp để thu nợ đủ thời gian sắp tới.

Chúng tôi chỉ làm cùng Trung Nam về năng lượng tái tạo. Dư nợ của Trung Nam đang được trả nợ đầy đủ. Sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Không chỉ Novaland mà ngành BĐS thời gian vừa qua có vấn đề. Vấn đề chủ yếu hiện nay là vấn đề pháp lý, chứ không phải vướng mắc về tài chính. Gỡ được điều này thì vấn đề được giải quyết.

Link bài gốc: Ngân hàng tuần qua: 27 nhà băng báo lãi 65.000 tỷ trong quý 1, NHNN ban hành loạt chính sách quan trọng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,383
Bài viết
63,604
Thành viên
86,467
Thành viên mới nhất
tracuudiemvip

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN