KT-XH Lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đã giảm bao nhiêu so với trước dịch?

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
TIN MỚI

Theo công bố mới đầy của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước cuối tháng 7 ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Về lãi suất cho vay, lãi suất ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,4%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

So với cuối năm 2019, tức trước khi dịch bệnh xảy ra, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1-2%/năm đối với các kỳ hạn dưới 1 năm, trong khi đó lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã giảm tới 2-2,5%/năm.

Lãi suất huy động giảm khá đồng đều ở các kỳ hạn và ở các ngân hàng. Trong khi đó, lãi suất vay ngân hàng giảm còn phụ thuộc vào đối tượng vay, lĩnh vực ngành nghề và tuỳ thuộc chính sách của từng nhà băng.

Chẳng hạn, các nhà băng thường ưu tiên giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng vay vốn để sản xuất kinh doanh các dịch vụ, hàng hoá thiết yếu. Trong khi đó, việc vay vốn để đầu tư bất động sản, chứng khoán,…sẽ bị các nhà băng thẩm định kỹ, và thường không được giảm lãi suất. Các khoản vay tiêu dùng cũng được xếp vào lĩnh vực rủi ro do không có tài sản đảm bảo nên lãi suất tiếp tục ở mức cao.

Trước đó, cuối năm 2019, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung dài hạn. Như vậy, lãi suất cho vay cũng đã giảm mạnh trong hơn 1 năm qua, hiện một số nhà băng đã có các gói tín dụng với lãi suất chỉ từ 4%/năm.

Trong hơn 1 năm qua kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, NHNN đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, tổng mức giảm là 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN, từ doanh nghiệp và dân cư với chi phí thấp hơn, qua đó giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, mặt bằng lãi suất ngân hàng năm 2021 đã về mức thấp nhất trong 20 năm qua.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tính toán, toàn hệ thống ngân hàng đã giảm trung bình khoảng 1%/năm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu trong năm 2020, tương đương với 10.000 tỷ đồng. Đối với lãi suất cho vay mới, mức giảm trung bình là 1%/năm, tương đương 11.500 tỷ đồng.

Sang nửa đầu năm 2021, hệ thống tiếp tục giảm lãi suất cho vay bình quân thêm 1%/năm, tương đương tổng số tiền hỗ trợ gần 30.000 tỷ đồng.

Từ nửa cuối tháng 7/2021, các ngân hàng đồng loạt giảm 1-2%/năm với lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của NHNN. Theo đó, 16 ngân hàng (chiếm 80% thị phần tín dụng) đã cam kết giảm 20,3 nghìn tỷ đồng lãi vay từ nay đến cuối năm, 4 NHTM có sở hữu Nhà nước còn cam kết giảm thêm 4 nghìn tỷ đồng ngoài gói hỗ trợ chung.

Như vậy, dự kiến tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 là khoảng 62,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng năm 2021.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của các công ty chứng khoán, lãi suất cho vay bình quân giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng không giảm mạnh bằng lãi suất huy động trong nửa đầu năm năm 2021 đã giúp NIM của các ngân hàng được cải thiện, thu nhập từ lãi tăng mạnh.

Chẳng hạn, theo SSI, lãi suất cho vay trong quý 2/2021 của một ngân hàng lớn nhóm quốc doanh giảm 54 bps so với cùng kỳ xuống còn 7,83%/năm, trong khi đó, lãi suất huy động trung bình giảm tới 145 điểm bps xuống còn 3,68%/năm. Theo đó, NIM quý 2 của nhà băng này tăng 57 bps lên 3,2%.

Lý do lãi suất cho vay không giảm mạnh như lãi suất huy động cũng khá dễ hiểu. Trong khi người gửi tiền chắc chắn sẽ nhận được lãi từ ngân hàng thì ngân hàng chưa chắc đã thu đủ cả nợ gốc và lãi từ người đi vay trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay. Bởi vậy, thời gian qua, các nhà băng đã phải tích cực trích lập dự phòng rủi ro, đề phòng các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Theo thống kê của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tổng dự phòng rủi ro của các ngân hàng trong quý 2/2021 đạt hơn 33.000 tỷ đồng, tăng 55% so với quý trước và tăng 83% so với cùng kỳ. Do tiềm ẩn rủi ro từ các khoản nợ cơ cấu lại, nợ xấu có thể sẽ tăng trong thời gian tới và lợi nhuận ngân hàng chắc chắn bị ảnh hưởng.

Rủi ro tiềm ẩn ở lãi dự thu, lợi nhuận ngân hàng nguy cơ giảm vì các khoản nợ tái cơ cấu

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Link bài gốc: Lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay đã giảm bao nhiêu so với trước dịch?
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

News

New Jobs

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,217
Bài viết
63,436
Thành viên
86,396
Thành viên mới nhất
sumclubblog

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN