KT-XH Chịu hai chiều tác động, loạt ngân hàng báo lỗ

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,065
12
38
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương – Saigonbank là một ví dụ. Báo cáo tài chính quý 4 mới công bố của ngân hàng cho thấy mức lỗ hợp nhất trước thuế hơn 40 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ sự đi xuống của các hoạt động kinh doanh cốt lõi kết hợp với chi phí tăng vọt.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng giảm 5,9% so với cùng kỳ xuống còn 136 tỷ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh, với mức giảm lần lượt 40% và 15%.

Tuy nhiên, nhờ khoản thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng đột biến gấp 89 lần cùng kỳ, đạt 107 tỷ đồng nhờ việc bán 2,25% vốn tại Viet Capital Bank, tổng thu nhập của Saigonbank tăng gần 53% trong quý 4. Song, do chi phí hoạt động tăng vọt tới 91% khiến lợi nhuận thuần của ngân hàng giảm 4% so với cùng kỳ.

Theo đó, sau khi dành 113 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro (giảm 14,5% so với cùng kỳ), ngân hàng ghi nhận lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý 4. Dù vậy, lũ kế cả năm 2021, ngân hàng vẫn lãi 154 tỷ đồng, tăng trưởng 27,3%.

Trong khi đó, Viet Capital Bank cũng bất ngờ ghi nhận mức lỗ 74 tỷ đồng trong quý 4 trong khi cùng kỳ năm trước, ngân hàng vẫn lãi gần 64 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do chi phí hoạt động cùng chi phí trích lập dự phòng trong kỳ của ngân hàng tăng mạnh, với mức tăng lần lượt 34,1% và 33,3% trong khi các mảng kinh doanh của ngân hàng vẫn khá tốt.

Dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh tốt từ những quý trước nên lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng vẫn tăng trưởng tới 54,7%, đạt 311 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành vượt 7% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Tại NCB, ngân hàng này vừa ghi nhận quý lỗ lớn nhất trong lịch sử với 203 tỷ đồng, tăng lỗ gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là do mảng tín dụng – nguồn thu chính của ngân hàng đi xuống khi chỉ lãi vỏn vẹn hơn 171 tỷ đồng, giảm tới 71,6% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng lỗ hơn 21 tỷ đồng, so với mức lãi gần 9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Dù các mảng kinh doanh khác như dịch vụ, chứng khoán đầu tư, hoạt động khác ghi nhận lợi nhuận tăng từ 162% đến 274% nhưng cũng không bù đắp được “khoảng trống” mà 2 mảng kinh doanh cốt lõi để lại.

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của ngân hàng chỉ đạt 486 tỷ đồng, giảm 31,3% trong khi tổng chi phí hoạt động lại tăng 20%, chi phí dự phòng rủi ro tăng 866% khiến ngân hàng tăng lỗ.

Một số thành viên khác, dù không lỗ nhưng trong kỳ qua cũng ghi nhận lợi nhuận đi xuống như PGBank (giảm 29,2%) hay BacABank (giảm 3%)...

Có thể nói, trong giai đoạn cả nền kinh tế gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngân hàng, với vai trò là ngành xương sống, cũng không thể là ngoại lệ.

Lợi nhuận của các nhà băng trong khủng hoảng đại dịch chịu hai chiều tác động. Một mặt lãi suất cho vay cắt giảm để hỗ trợ khách hàng, lãi biên bị thu hẹp; mặt khác, nợ xấu tăng lên và gia tăng chi phí trích lập dự phòng.

Một điểm chung dễ nhận thấy ở phần lớn các nhà băng ghi nhận lợi nhuận đi xuống kỳ qua chính là từ lát cắt lớn từ khoản mục trích lập dự phòng. Ở cân đối này, ngân hàng buộc pháp ưu tiên và đáp ứng yêu cầu gia tăng tấm đệm cho an toàn hoạt động hơn là lợi nhuận có thể mang tính nhất thời.

Như tại BacABank, trong quý cuối cùng của năm, ngân hàng đã dành tới gần 198 tỷ đồng cho trích lập dự phòng rủi ro, chiếm tới 50% lợi nhuận thuần và tăng 157% so với mức trích lập cùng kỳ năm trước. Hay tại PGBank, trích lập dự phòng rủi ro cũng tăng tới 235% so với cùng kỳ.

Tại Viet Capital Bank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong quý 4, ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng toàn bộ với danh mục tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh COVID-19.

Như trên, việc tăng mạnh trích lập dự phòng ảnh hưởng tới con số lợi nhuận công bố. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy khẩu vị, ứng xử với rủi ro của các thành viên. Và về tổng thể cả năm hầu hết các ngân hàng đều có lợi nhuận và tăng trưởng đáng kể ở kết quả này.

Ở một góc nhìn tích cực khác, không phải tất cả các khoản nợ xấu đều mất đi. Theo đó, khi mỗi khoản nợ xấu được xử lý, thu hồi, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập bất thường. Quy mô trích lập dự phòng cao, theo đó, cũng có phần "của để dành" để có thể hoàn nhập trở lại và góp vào lợi nhuận trong tương lai của ngân hàng.

Tất nhiên, triển vọng hoàn nhập đó phụ thuộc lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế. Triển vọng này đã có khả quan từ quý 4/2021, khi nền kinh tế mở cửa trở lại để thích nghi linh hoạt với đại dịch, và năm 2022 được dự báo nối tiếp đà phục hồi khả quan hơn.

Ngân hàng niêm yết đầu tiên dự kiến lợi nhuận năm 2021 sụt giảm, không hoàn thành kế hoạch

Link bài gốc: Chịu hai chiều tác động, loạt ngân hàng báo lỗ
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

News

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,419
Bài viết
63,639
Thành viên
86,447
Thành viên mới nhất
vinhlv89

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN