KT-XH MB tiên phong "xanh hóa" nguồn tín dụng năng lượng tái tạo

Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,064
12
38
Xu hướng "xanh để bền vững"

Tín dụng xanh đang là chủ đề "nóng" trên toàn cầu, được các định chế tài chính tham gia tích cực nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm. Đó là chiến lược cung cấp các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ đến khách hàng có hoạt động thân thiện với môi trường, ngược lại sẽ dè chừng hơn các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường thông qua việc áp dụng lãi suất cao hơn, điều chỉnh tỷ lệ tín dụng dài hạn và ngắn hạn, thậm chí là dừng cho vay. Hay nói cách khác, tín dụng xanh là những khoản tín dụng nhằm hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh không hoặc ít gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung, là biểu hiện của nền tài chính hướng đến sự phát triển bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Năm 2021, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trước đó từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, sau đó năm 2018 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030, trong đó có định hướng phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng từ năm 2015 đã triển khai tín dụng xanh, tuy nhiên quy mô còn nhỏ và số ít ngân hàng. Năm 2018, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam. Đến năm 2022 đã có khoảng 19 tổ chức tín dụng tham gia, với dư nợ vào khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Các dự án xanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này chủ yếu là dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và về sinh môi trường. Và đến năm 2023, tín dụng xanh tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của nhiều hơn các ngân hàng, đồng thời có thêm lĩnh vực mới được tiếp cận tín dụng xanh đó là xe điện.

MB tiên phong "xanh hóa" nguồn tín dụng

Là một trong những ngân hàng đặc thù, với sự điều hành và quản trị của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội, MB từ lâu đã luôn đề cao các vấn đề về môi trường, xã hội và ưu tiên các doanh nghiệp có hoạt động thân thiện cùng lĩnh vực. Năm 2017-2018, Ngân hàng Quân đội (MB) tiếp tục tiên phong trong việc cho vay dự án năng lượng tái tạo. Chia sẻ của Tổng giám đốc MB – Ông Phạm Như Ánh, thời điểm đó hầu hết các ngân hàng khá dè chừng với những dự án năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió vì cho rằng đây là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Với nhiều mối lo về rủi ro, bên cạnh đó NIM (biên lợi nhuận) cũng mỏng hơn vì cho vay với lãi suất thấp, nên nhiều ngân hàng không chọn lối đi này. Tuy nhiên qua nghiên cứu, thực tế tại nước ngoài và quá trình làm việc với chuyên gia, MB đánh giá đây là các dự án bảo vệ môi trường và tích cực cho xã hội, lại cũng không quá khó và hoàn toàn trong tầm kiểm soát nên đã tự tin tiên phong hợp tác.

MB tiên phong xanh hóa nguồn tín dụng năng lượng tái tạo - Ảnh 1.


MB là đơn vị tiên phong trong công cuộc phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam


Sau những chia sẻ hành trình tiên phong tín dụng xanh của MB, ông Ánh khẳng định các khoản vay thời điểm đó cho đến bây giờ đều an toàn, các dự án đều hoạt động tốt. Giai đoạn Covid-19 vừa qua một số dự án gặp khó khăn nhưng hiện tại đã ổn định. MB cũng đánh giá tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.

Được biết MB hiện dành tới 8-10% trên tổng dư nợ để cho vay đối với các lĩnh vực tín dụng xanh, năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cũ từ ô nhiễm môi trường nhiều sang ít ô nhiễm hơn. Ngân hàng đồng thời đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ trọng tín dụng xanh, tín dụng phục vụ chuyển đổi công nghệ lên 15% vào năm 2026.

"Với tín dụng tăng trưởng khoảng 15-20% mỗi năm (hiện tại dư nợ cho vay của MB là trên 600 ngàn tỷ đồng) thì con số mà ngân hàng dành cho tín dụng xanh rất rất lớn chứ không phải chỉ đơn thuần là lớn. Bởi một số ngân hàng lớn trên thế giới họ chỉ dùng khoảng 8% dư nợ để cho vay năng lượng tái tạo, tín dụng xanh và chuyển đổi thì tỷ lệ của MB hiện đã lên tới 10-11%" – CEO MB chia sẻ.

MB tiên phong xanh hóa nguồn tín dụng năng lượng tái tạo - Ảnh 2.


Khi được hỏi về việc liệu tín dụng cho các lĩnh vực xanh với lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực khác thì có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh hay không. Bởi lẽ thay vì cho vay 1.000 tỷ được NIM tới 4-5% thì nay chỉ được 2%, tức là đã mất đi 2-3%. Ông Phạm Như Ánh cho biết đối với cho vay tín dụng xanh nói riêng và làm ESG nói chung thì không thể tính tới lợi nhuận cao được mà phải tính đến sự hỗ trợ cho xã hội, vì môi trường và sự phát triển bền vững mà chấp nhận bỏ ra chi phí để làm. Đây hoàn toàn không phải các hoạt động bộc phát mà đã nằm trong kế hoạch và được MB thực hiện đều đặn trong nhiều năm trở lại đây. Mỗi chương trình đều được thống nhất ý kiến bởi tất cả các cổ đông từ chiến lược đến kinh phí trích lập từ nguồn lợi nhuận sau thuế của MB.

Với hành trình "xanh hóa" của mình, MB sẽ giảm thiểu tác động đến kinh doanh bằng việc kết hợp với các định chế quốc tế để tiếp cận các khoản vay rẻ như trái phiếu xanh (Green bond) rồi cho vay lại doanh nghiệp trong nước với lãi suất thấp hơn. "Thủ tướng đã cam kết đến năm 2050 Việt Nam trung hoà carbon, trong đó người đứng đầu Chính phủ đều nói một câu là "với sự hỗ trợ của các nước phát triển". Không có sự hỗ trợ của các nước phát triển thì chúng ta không thể đạt mục tiêu trung hoà carbon. Vì thế các định chế khi làm việc với ngân hàng Việt đều nắm được điều này và muốn hỗ trợ Việt Nam thông qua các tổ chức uy tín như MB để giúp các doanh nghiệp chuyển đổi" – ông Ánh nói. Trong 2 năm trở lại đây, số lượng tổ chức nước ngoài cấp vốn cho tín dụng xanh ở Việt Nam đã tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước đó.

Ngoài ra, trong nội tại của MB, ngân hàng cũng cân đối được nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời MB cũng kiểm soát được chi phí hoạt động để năm sau thấp hơn năm trước, mà phần quan trọng là nhờ chuyển đổi số. Hiện MB là ngân hàng đang đứng hàng đầu thị trường về chuyển đổi số.

Tất cả ba lý do đó giúp MB đảm bảo không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh mà Hội đồng quản trị, cổ đông giao. "Cho vay tín dụng xanh nói riêng và làm ESG nói chung ở MB sẽ không ảnh hưởng xấu đến quyền lợi cổ đông, chỉ có tốt hơn cho cổ đông mà thôi" – ông Phạm Như Ánh nhấn mạnh.

Link bài gốc: MB tiên phong "xanh hóa" nguồn tín dụng năng lượng tái tạo
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.
 
Tình trạng
Không mở trả lời sau này.

New Jobs

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,367
Bài viết
63,587
Thành viên
86,057
Thành viên mới nhất
thuocphathai

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN