KT-XH Tỷ giá ngân hàng 'bắt chẹt' doanh nghiệp nhập khẩu

lovesuju2711

New member
14 Tháng mười một 2010
375
0
0
32
Nhiều doanh nghiệp cần mua USD nhập khẩu hàng hóa cuối năm đang kêu khổ vì phải đóng phí lên tới 4-5% so với niêm yết, khiến giá thực vọt lên ngang ngửa với chợ đen mà không biết hạch toán vào đâu.

Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ngành nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM, cho biết, doanh nghiệp ông không có nguồn đôla từ xuất khẩu nên phải thường xuyên mua USD để nhập khẩu hạt nhựa về sản xuất. Mấy ngày qua, công ty mua đô đều bị các ngân hàng thương mại thu phí rất cao (phí kiểm đếm, phí hồ sơ...) có nơi thu lên tới 3,5-5%, đẩy giá mua bán thực ngang ngửa với chợ đen.
Ông cho biết, đến sáng nay, mỗi USD mua từ ngân hàng dao động quanh 21.800 đồng, có nới đã lên tới 21.900 đồng.
Nhiều doanh nghiệp đang kêu khổ vì mua USD ngân hàng giá cao. Ảnh: PV "Việc tính phí này không có chứng từ, hóa đơn nên doanh nghiệp không thể hạch toán vào chi phí được. Đương nhiên cơ quan thuế sẽ xem đó là lợi nhuận và đưa vào tính thuế. Như thế, doanh nghiệp chúng tôi đã thiệt đơn, thiệt kép và không biết kêu ai", giám đốc này nói.
Tổng giám đốc một công ty sản xuất ngành sắt thép tại Tân Bình, TP HCM, cũng cho biết đơn vị ông thường phải nhập khẩu nguyên liệu bằng USD, nhưng chủ yếu thu tiền đồng từ bán hàng trong nước. Vì vậy, không có sẵn nguồn ngoại tệ cung ứng. Mỗi tháng, công ty phải nhập khẩu các đơn hàng lên đến hơn 10 triệu USD.
Thế nên, khi tỷ giá đôla mua bán thực trong ngân hàng liên tục tăng cao và vênh xa gần 1.000 đồng so với niêm yết thì công ty ông mỗi tháng bị lỗ một khoản tiền lên tới gần chục tỷ đồng. "Vì các đơn hàng ký là căn cứ theo tỷ giá niêm yết, nhưng mình thì phải mua USD giá chợ đen', ông bức xúc nói.
Tuy nhiên, nhìn chung việc ngân hàng "bắt chẹt" bán USD với giá cao chỉ rơi vào một số doanh nghiệp không có nguồn cân đối từ xuất khẩu, hoặc không có phương án phòng trừ rủi ro. Còn những doanh nghiệp khác, đặc biệt là đơn vị xuất khẩu vẫn ung dung đứng ngoài thực trạng này.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cho biết, đơn vị ông không phải đau đầu với việc mua đôla vì đã có nguồn từ hoạt động xuất khẩu thủy sản mang lại. Tuy vẫn phải chi tiêu USD để nhập một số nguyên liệu, nhưng tỷ lệ nhập khẩu ít so với xuất nên doanh nghiệp thủy sản tự trang trải nguồn đôla là chính. Khi có nhu cầu tiêu dùng sẽ rút từ ngân hàng và không bị ảnh hưởng khi tỷ giá biến động, nhất là thời điểm cuối năm.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 cũng khẳng định, do xuất khẩu là chủ lực chính của công ty, nên không lo thiếu USD. Vì việc nhập nguyên liệu may mặc từ nước ngoài để phục vụ xuất khẩu chỉ chiếm một lượng nhỏ trong tổng số đôla có được từ hoạt động xuất khẩu.
"Được đảm bảo bằng ngoại tệ xuất khẩu nên nếu kẹt chúng tôi vẫn có thể vay ngân hàng. Khi đối tác chuyển tiền về sẽ bán lại cho nhà băng, công ty không bị bắt chẹt phải mua USD với lãi suất cao. Bởi nếu ngân hàng hét giá cao hơn mức niêm yết, công ty sẽ không để USD tại nhà băng đó nữa", ông cho biết.
Với những đơn vị không có nguồn USD dồi dào, nhưng biết chủ động lên phương án dự phòng tốt cũng không phải căng thẳng về USD. Ông Trần Quang Trường, Phó tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Tân Bình chia sẻ, rút kinh nghiệm tỷ giá thường căng thẳng vào những tháng cuối năm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tỷ giá, nên ngay từ tháng 6-7 doanh nghiệp ông đã mua dần USD để thanh toán các khoản nợ vay trước đó. Đồng thời, mua từng ít một gửi vào ngân hàng dự phòng. "Đến nay, khi nhu cầu cần nhiều USD để nhập hàng cuối năm, chúng tôi chỉ việc rút từ ngân hàng ra dùng", ông nói.
Lý giải hiện tượng bán USD vượt trần của các nhà băng, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhìn nhận đó là hệ quả của cơ chế điều hành. Bởi theo ông Sơn, Ngân hàng Nhà nước muốn đưa ra một mức tỷ giá ổn định nhưng lại không cung đủ nguồn USD cho các ngân hàng thương mại. Do đó, các nhà băng này để đủ nguồn đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp cũng phải mua USD theo giá vượt trần.
Nguyên nhân là vì cá nhân có nguồn ngoại tệ chuyển từ nước ngoài về (kiều hối) được phép rút ngoại tệ theo quy định quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước thường rút USD bán ra thị trường tự do hưởng chênh lệnh lớn. Thứ hai, các nhà xuất khẩu cũng thường tìm cách bán thỏa thuận cho nhà nhập khẩu mà không bán cho ngân hàng theo giá niêm yết.
Theo ông Sơn, doanh nghiệp phải mua USD ngân hàng với giá cao cũng chỉ là một phần nhỏ chứ không phải là số đông trong nền kinh tế. Nhưng nếu để tình trạng này xảy ra sẽ là tiền đề xuất hiện rủi ro đạo đức, làm mất phẩm chất của nhân viên ngân hàng. Hậu quả thật khó lường khi các ngân hàng đang tự biến mình thành những khu "chợ đen'" bất cứ lúc nào có thể.
"Một doanh nghiệp hay ngân hàng tồn tại trên một hệ thống thông tin sai lệch sẽ không bao giờ có được một sự thống nhất và minh bạch, đó thực sự là một rủi ro lớn về quản trị", ông nói.
Để hạn chế tình trạng này, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn cho rằng cơ bản nhất vẫn là gia tăng xuất khẩu để tăng nguồn thu ngoại tệ, cân đối tình trạng thiếu ngoại tệ như hiện nay bằng các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Song, cách này thì lại cần có thời gian để thực hiện vì liên quan đến năng lực sản xuất và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tiếp theo, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu cho nhu cầu của xã hội. Và cuối cùng là Ngân hàng Nhà nước phải luôn sẵn sàng cung ứng nguồn USD cho các nhà băng.
"Ngoài ra, chính bản thân các doanh nghiệp cũng phải có biện pháp dự phòng rủi ro tỷ giá cho đơn vị mình như lập quỹ dự phòng biến động tỷ giá, định kỳ đánh giá lại tài sản và nguồn vốn theo giá thị trường, hạn chế việc vay bằng ngoại tệ...", ông Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Hồ Hữu Hạnh cho biết, thông qua đường dây nóng, thời gian qua, cơ quan này cũng có nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp về việc ngân hàng thương mại bán USD thu phí, đẩy giá lên cao vượt trần.
"Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản luật chính thức nào quy định cụ thể về việc xử phạt ngân hàng thương mại thu phí bán USD. Do đó, rất khó có căn cứ xác định với mức phí bao nhiêu là hợp lý, bao nhiêu là vi phạm để xử lý và xử lý như thế nào. Vì vậy, chúng tôi vẫn đang chờ quy định mới về vấn đề này", ông Hạnh nói.
Tháng 7 năm 2009, trước tình hình nhiều ngân hàng thương mại thu phí cao, đẩy giá bán USD vượt trần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng đã có công văn số 4941 gửi Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng về việc chấn chỉnh hoạt động mua bán ngoại tệ. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng không được thu các loại phí làm tỷ giá mua bán ngoại tệ thực tế vượt tỷ giá trần theo quy định, đồng thời giao Tổng giám đốc (Giám đốc) các nhà băng có trách nhiệm rà soát kiểm tra việc thực hiện nội dung nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm.
Tuy nhiên đây chỉ là văn bản dưới luật và chỉ đạo mang tính thời điểm, nên theo Giám đốc Hồ Hữu Hạnh vẫn cần một quy định chính thức cho việc này.
Lệ Chi - Bạch Hường
 

New Jobs

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,175
Bài viết
63,395
Thành viên
86,049
Thành viên mới nhất
dinhtienhien

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN