Người giải mã thách đố 40 năm

lovesuju2711

New member
14 Tháng mười một 2010
375
0
0
32
Luận án của Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hoành Sơn vừa được trao giải Luận án xuất sắc nhất ngành Quản lý chiến lược của Pháp năm 2010. Đây là lần đầu tiên một người nước ngoài nhận vinh dự này.
TS Hoành Sơn sinh năm 1978 tại Đà Nẵng. Anh từng học các trường THPT Phan Chu Trinh, ĐH Ngoại ngữ và ĐH Kinh tế Đà Nẵng trước khi sang Pháp học sau đại học. Thử đọc qua một phần luận án “Khảo sát lại mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và hiệu quả doanh nghiệp: một phân tích ba chiều” của TS Hoành Sơn mới thấy thật nể anh. Đây là chủ đề được các chuyên gia về chiến lược kinh tế trên thế giới nghiên cứu suốt 40 năm nhưng vẫn “nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp”.
Luận án của TS Hoành Sơn có cách tiếp cận vấn đề rất chặt chẽ và mang nhiều khác biệt so với các nghiên cứu trước đây. Anh khảo sát tác động cả 3 chiều của toàn cầu hóa lên hiệu quả doanh nghiệp: chiều rộng (độ dàn trải địa lý trong kinh doanh của các công ty), chiều sâu và sự phân bố. TS Hoành Sơn đã đưa ra được một số điểm nhấn lý thuyết mới có thể góp phần làm sáng tỏ chủ đề từng gây tranh cãi suốt 40 năm qua. Với những thành quả đáng kể này, không ngạc nhiên khi anh được trao giải thưởng Luận án xuất sắc nhất năm 2010 của Tổ chức Đào tạo Quản lý doanh nghiệp quốc gia (FNEGE) ở hạng mục Quản lý chiến lược.

TS Nguyễn Phạm Hoành Sơn phát biểu tại Hội nghị thường niên của AIMS. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
PV Thanh Niên đã có dịp trao đổi qua điện thoại và e-mail với TS Nguyễn Phạm Hoành Sơn.
Vài trăm trang luận án của anh được viết rất “mượt mà” bằng tiếng Pháp. Làm thế nào anh chinh phục được ngôn ngữ nổi tiếng lãng mạn nhưng cũng khó nhằn này?
Tôi bắt đầu học tiếng Pháp năm 1997 ở bậc đại học. Những năm đầu làm quen với ngoại ngữ mới bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả. May mắn là các thầy cô Pháp văn đã giúp tôi cảm và yêu được ngôn ngữ của Molière, duyên dáng và “giàu” lắm.
Cơ hội tiếp xúc với tiếng Pháp mở ra thêm khi tôi được sang “xứ Gaulois” du học nhờ học bổng của Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) sau 4 năm học chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp tại ĐH Kinh tế Đà Nẵng.
Anh gặp những khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình thực hiện luận án?
Có lẽ thuận lợi lớn nhất của tôi là được làm việc với các giáo sư hướng dẫn đầu ngành của Pháp. Họ luôn chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt trong lối suy nghĩ của học trò. Ngoài ra, được khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu sâu rộng tại đây cũng là một thuận lợi lớn.
Còn áp lực nặng nề nhất là trong giai đoạn xây dựng mô hình và thiết kế phương pháp nghiên cứu. Thách thức đặt ra là làm sao tạo được mô hình đa lý thuyết, 3 chiều và 3 pha giữa 2 biến toàn cầu hóa - hiệu quả doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện điều này với phương pháp nghiên cứu động, nhị pha (phân tích bộ phận và phân tích chéo tổng thể).
40 năm qua, nhiều bậc tiền bối đã nghiên cứu về mối tương quan giữa toàn cầu hóa và hiệu quả doanh nghiệp nhưng kết quả vẫn “nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp”. Vì sao anh chọn một đề tài gai góc đến thế?
Tôi chọn vì cảm thấy bị cuốn hút bởi chiều sâu lịch sử của đề tài gây tranh cãi này. 4 thập niên qua, chúng ta chứng kiến sự ra đời của 8 trường phái nghiên cứu. Mỗi trường phái có phương pháp, mô hình nghiên cứu, kết quả thực nghiệm và cả những hạn chế riêng. Nhưng sau tất cả, bản chất của mối quan hệ giữa hai biến toàn cầu hóa - hiệu quả doanh nghiệp vẫn không rõ ràng và không kết luận được. Nó có thể âm, có thể dương và tuyến tính, có thể hai pha theo mô hình chữ U chuẩn, có thể 3 pha theo mô hình chữ S nằm ngang.
Kết quả của anh được các chuyên gia Pháp đánh giá rất cao, cụ thể là giải thưởng luận án xuất sắc. Anh nhận xét thế nào về kết quả nghiên cứu của mình? Đây có phải là câu trả lời cho “câu hỏi 40 năm”?
Nghiên cứu của tôi mang lại những đóng góp nhỏ cho một lĩnh vực nghiên cứu vốn rất phát triển nhưng còn nhiều “rối rắm” và chưa thực sự thống nhất. Luận án được chọn trao giải thưởng là do có những điểm mới và thể hiện được bản sắc riêng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra được bản chất phi tuyến và ba pha không chỉ của riêng những bộ phận cấu thành mà của cả tổng thể mối quan hệ 3 chiều giữa toàn cầu hóa và hiệu quả doanh nghiệp. Đây mới chỉ là “lời mở đầu của câu trả lời”. Chính vì thế, tôi đang tiếp tục nghiên cứu chiều thứ 4 của mối quan hệ này.
Theo mô hình “chữ S nằm ngang” của “chiều sâu quốc tế hóa” trong nghiên cứu của anh, một số công ty VN khi chưa vượt qua giai đoạn “đi xuống” đầu tiên có thể bị những tập đoàn lớn nước ngoài mua lại trọn gói, không có cơ hội tiến đến giai đoạn tiếp theo để thấy hiệu quả và lợi nhuận tăng lên? Tiềm năng “quốc tế hóa” của các công ty VN ra sao?
Quan sát của bạn cũng phản ánh đúng thực tế là một số doanh nghiệp VN không may phải “rời khỏi cuộc chơi” rất sớm vì những lý do khác nhau ở ngay pha đầu tiên của quá trình quốc tế hóa. Tôi nghĩ nguyên nhân là vì thiếu nguồn lực nhân sự, tài chính và nhất là chiến lược cạnh tranh cả ngắn và dài hạn.
Nhưng đó không phải là bức tranh chung. Tôi tin rằng với bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới ngày càng hội nhập, VN sẽ không nằm ngoài dòng chảy này. Doanh nghiệp nước ta dù ở những ngành nghề truyền thống như sản xuất gạo, dệt may thủ công, gốm sứ… hay trong những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao như công nghệ thông tin đều có thể tự xây dựng cho mình lợi thế cạnh tranh riêng. Điều này cho phép doanh nghiệp làm giảm hoặc rút ngắn pha phi hiệu quả kinh tế ban đầu trong quá trình khai thác thị trường thế giới. Nhờ đó vẫn có thể hình dung khả năng tồn tại, chuyển tiếp và phát triển ở những pha sau.
Giải thưởng danh giá
Giải thưởng Luận án xuất sắc nhất do Tổ chức Đào tạo quản lý doanh nghiệp quốc gia (FNEGE) của Pháp trao tặng hằng năm có nhiều hạng mục khác nhau. Riêng hạng mục Quản lý chiến lược do Hiệp hội Quản lý chiến lược quốc tế (AIMS) chịu trách nhiệm thẩm định về chuyên môn. TS Nguyễn Phạm Hoành Sơn là người nước ngoài đầu tiên được vinh danh từ khi giải thưởng được lập ra năm 1998.

Đại diện FNEGE trao giải Luận án xuất sắc năm 2010 cho TS Hoành Sơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cả 2 tổ chức trao giải đều rất có uy tín. AIMS là một trong những hiệp hội hàng đầu của các giảng viên và nhà nghiên cứu khối Pháp ngữ về quản lý và chiến lược. Còn FNEGE do Chính phủ Pháp và các công ty trong nước đồng sáng lập với mục đích phát triển chương trình đào tạo bậc cao của ngành quản lý. Hội đồng quản trị của tổ chức này bao gồm các giáo sư đầu ngành, đại diện của công ty và bộ, sở trong chính phủ. Như quy định, Chủ tịch FNEGE hiện nay, ông Michel Bon là một lãnh đạo doanh nghiệp. Ông từng là Tổng giám đốc Tập đoàn Carrefour, Chủ tịch Tập đoàn viễn thông - truyền thông France Télécom…
Theo Nguyễn Ngọc Lan Chi
Thanh Niên
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,129
Bài viết
63,349
Thành viên
86,047
Thành viên mới nhất
gnn

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN