[MF] Người Trung Quốc xấu xí - Bá Dương

Mr.Click

New member
11 Tháng sáu 2011
993
0
0
33
sites.google.com
Người Trung Quốc xấu xí - Bá Dương



LỜI NGƯỜI DỊCH

Năm năm trước, tôi sang Trung Quốc đọc được quyển sách này rất lấy làm thích thú. Ngay sau đó, từ Trung Quốc về đến Việt Nam, tôi đã chụp lại đưa cho một người bạn ở Hà Nội và động viên anh dịch ra tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng người Việt ở trong nước nếu được đọc nó, chắc cũng thích thú như tôi.

Bản thân tôi trước kia cứ mỗi lần đọc phải những quyển sách kiểu Người Việt cao quý, Người Việt đáng yêu là một lần không những không cảm thấy mình được dự phần vào cái cao quý, đáng yêu ấy một tý nào, mà càng thấy mình thấp hèn và đáng ghét làm sao, chỉ muốn viết ngay một quyển sách khác để nói về những tính hư, tật xấu của mình. Đang lúc lúng túng với nỗi bực dọc ấy thì may thay tôi gặp được quyển sách của Bá Dương.

Thế mà suốt năm năm qua tôi đã ôm cái hy vọng quyển sách dịch sẽ ra đời ở Việt Nam. Tại sao tôi lại có hy vọng như vậy ? Bởi vì, quyển sách này tuy được viết và xuất bản ban đầu ở Đài Loan, tuy có một cái nhìn độc đáo về văn hóa và các chế độ chính trị Trung Quốc, đặc biệt chỉ trích những phong trào Phản hữu, Cách mạng Văn hóa,v.v...và cả Mao Trạch Đông, nhưng sau đó nó lại được tái bản tại Trung Quốc lục địa (Bản tôi có là bản năm 1989 - 1990 do Nhà xuất bản Hoa Thành, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ấn hành).

Không những đã có nhiều sách khác viết về nó, gần đây còn có nguyên cả một quyển sách phỏng vấn Bá Dương về quyển sách này của ông. Các tác phẩm khác của Bá Dương cũng đã lục tục được in ra, và cuối cùng là hai tuyển tập tạp văn lớn của ông vừa được Nhà Xuất Bản Hữu Nghị tại Bắc Kinh phát hành.

Ngoài ra ở Âu, Mỹ, Úc châu hiện nay, đối với những người sắp phải tiếp cận với Trung Quốc, cuốn sách của Bá Dương cũng được xếp vào trong danh sách những quyển cần đọc để có một cái nhìn tổng quát về văn hóa nước này.

Nước Trung Quốc « cộng sản » đã chấp nhận và hoan nghênh nó, người Âu Mỹ cũng thế, thì không có lý do gì người Việt Nam lại không thể được đọc nó, cho dù không phải để học hỏi, mà có thể chỉ vì hiếu kỳ, thông tin về một nước láng giềng.

Đến nay quyển sách dịch vẫn chưa ra đời ở Việt Nam. Và tôi vẫn chưa mất hy vọng, nhưng tôi hơi thấy tiếc cho cái thời gian tính của nó. Chẳng hạn, trong sách có những đoạn nói về tâm sự người Trung Quốc ở Hồng Kông khi mảnh đất này chưa « trở về tổ quốc » thì bây giờ Hồng Kông đã thuộc Trung Quốc lục địa rồi. Vì vậy, mặc dù chỉ võ vẽ tiếng Trung, lại không phải là người quen nghề dịch, tôi cũng đã mầy mò cố dịch nó ra, chắc chắn có nhiều sai sót, ở đây thành thật xin những người cao minh hơn chỉ bảo cho.

Trong thập niên trước một thiên niên kỷ mới này, người ta hay nói về nền văn minh hậu công nghiệp, hậu hiện đại, cách mạng và văn minh điện tử tin học, đợt sóng thứ ba,... Người Việt Nam vừa thoát ra được cuộc nồi da xáo thịt, còn phải mất hơn 20 năm để chì chiết lẫn nhau, bỗng một hôm tự thấy mình đang đứng bên lề đường phát triển; đói rách, nghèo nàn, lạc hậu, bối rối không biết đi về đâu. Vì cục diện thế giới đã thay đổi quá nhanh, các phe phái, chiêu bài mà mình vì nó mất bao xương máu và cả một thời son trẻ đã chỉ còn là những dấu vết mờ nhạt.

Trí thức Việt Nam, hoặc nhữõng người còn chút suy tư, nhìn sang các nước láng giềng, nhìn ra thế giới cũng hoang mang, lúng túng chẳng kém các cụ nhà Nho cách đây một thế kỷ khi tỉnh dậy vì những tiếng cà-nông của nền văn minh công nghiệp Tây phương bắn vào các cửa biển.

Trong thời kỳ gọi là « đổi mới » gần đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam hay những người tự cho mình có sứ mệnh lãnh đạo, lại phát động phong trào đi tìm kiểu mẫu phát triển, giống phong trào « canh tân » của các cụ đồ ngày xưa.

Nhưng cái khác với thời hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là ngoài các mô-đen Mỹ, Pháp, Nhật, ngày nay còn có một lô những mô-đen mới nữa, trong đó phải kể mấy con rồng, con cọp châu Á ngay sát nách mà ở thời các cụ ho cũng chẳng khác gì mình.

Người có đầu óc một lần nữa phải thắc mắc tại sao bây giờ lại có sự khác biệt đó ? Dân tộc Việt Nam cơ bản khác gì những dân tộc khác để ra nông nỗi này ? Không khỏi có những người, cũng như các cụ Phan ngày xưa, lại đi đào bới trong văn hóa, lịch sử Việt Nam, suy gẫm để tìm cho ra nhẽ. Nhưng số ấy không nhiều như ta tưởng, mà rồi cũng chẳng ai để ý đến những lời tâm huyết của họ, nếu không thì lịch sử và vận mệnh nước nhà cũng đã khác.

Mặc dù dưới áp lực của xu hướng toàn cầu hóa trên mọi địa hạt, tôi vẫn tin rằng mỗi một dân tộc phải có một phương thức, một giải pháp riêng đối với cái vận mệnh riêng của mình. Cho nên, trước khi đi cóp nhặt các mô-đen, cần nhất phải biết mình là cái thứ gì, và có thể làm được gì ngay trước mắt. Muốn biết được điều ấy không thể chỉ cứ tinh tướng, huyễn hoặc để tiếp tục tự kỷ ám thị hoặc lừa dối nhau, tiếp tục dùng cái lưỡi gỗ để nói những điều cường điệu, hãnh tiến.

Thường trong lịch sử Việt Nam vốn đã rất ítù người thật tình có can đảm và trung thực để tìm hiểu, phê bình, những cái xấu, cái dở của dân tộc mình. Gần đây lại chỉ toàn thấy ca tụng đất nước rừng vàng biển bạc, con người cần cù, thông minh, cao cảù, đẹp đẽ, kiên cường, anh hùng, trong sáng... Thậm chí lại có cả người lãnh đạo lấy tên giả viết sách để ca ngợi cá nhân mình, có cả nhà văn bịa tên một người nước ngoài để ca ngợi dân tộc mình. Nếu so sánh với những nước giàu mạnh nhất thế giới hiện nay thì lại là cả một chuyện ngược đời.

Mà cái chuyện tìm những khuyết tật, những cái dở của dân tộc mình thì không ai có thể làm hộ cho mình cả, không thể trông chờ vào người nước ngoài được - mặc dù quá trình lịch sử Việt Nam đã chứng minh ngay đến cả cái chữ viết cũng là do người nước ngoài làm cho (Tôi không cho rằng chữ Nôm là một thứ chữ viết đúng nghĩa của nó. Đó chỉ là một thứ chữ làm từ chữ Hán, chủ yếu dùng để ký âm tiếng Việt cho những người đã biết chữ Hán, quá phức tạp, thiếu quy phạm để được phổ cập và đứng vững).

Rồi khi người nước ngoài không lo cho nữa thì đến nay nó vẫn ở tình trạng của đầu thế kỷ, không có một canh tân, chuẩn hóa gì thêm, thậm chí một bàn phím máy tính để đánh cái thứ chữ viết đó cũng không hề có nổi ở thời đại xa lộ thông tin này.
Trung Quốc đã là một mô-đen lớn của Việt Nam cho đến lúc người Pháp đô hộ chúng ta. Và nếu tôi không lầm thì hiện nay một lần nữa nó vẫn còn là một mô-đen phát triển cho một nước theo chế độ đảng chủ, lại thuộc về thế giới Hán hóa như Việt Nam.

Quyển sách này soi sáng thêm một bề mặt, có thể là mặt trái của văn hóa Trung Quốc, của dân tộc Trung Quốc. Theo tôi nghĩ nếu lấy cái bề mặt này đem tham chiếu để phản tỉnh, việc này không những chỉ ích lợi cho người Hoa mà còn cho tất cả các cộng đồng có liên quan ít nhiều đến văn hóa Trung Quốc.

Ông Bá Dương cơ bản chỉ là một nhà báo, một người viết tạp văn và chính ông cũng xác nhận điều này. Bởi vậy chúng ta không nên chờ đợi ở quyển sách những phân tích khoa học sâu sắc, những ý nghĩa triết học cao siêu thường thấy ở mấy trường phái Trung Quốc học tại các đại học Mỹ như Havard hoặc Standford. Phần chính của quyển sách lại gồm những bài diễn thuyết, mang lối hành văn của kẻ nói chuyện, nên có người phê bình là bố cục lỏng lẻo.

Cho dù có thật sự thiếu trình độ uyên bác và cái chặt chẽ của lý luận, quyển sách lại đem đến cho người đọc nhiều chất liệu cụ thể rút từ lịch sử và đời thường qua cái nhìn của một người Trung Quốc đã bị « nhào trộn như một viên sỏi trong cái máy trộn bê-tông » của lịch sử Trung Quốc hiện đại. Những thứ rất phổ cập và dễ hiểu này cộng với giọng văn châm biếm chua cay mà thành khẩn của Bá Dương đối với một người Việt bình thường dù ở trong hay ngoài nước sẽ là một cống hiến không nhỏ cho việc hiểu rõ hơn về Trung Quốc và qua đó nhìn lại mà đánh giá bản thân, dân tộc và văn hóa của mình trong giai đoạn hiện nay.

Phần cuối sách gồm một số bài của những người phê phán Bá Dương. Phần tranh luận đầy cảm tính này, dẫu không có thêm nhiều phát hiện gì mới, lại là một cái phông cần thiết làm nổi bật thêm tính độc đáo và cú sốc khá mạnh của sự kiện Bá Dương trên cộng đồng người Hoa tại hải ngoại.

Trong lúc dịch tôi vẫn chưa tìm được ở tiếng Việt từ nào đúng để diễn tả đồng thời hình dáng xấu và tính xấu của một người. Cho nên, tùy mạch văn, lúc tôi dùng chữ « xấu xí », lúc dùng « xấu xa ». Tiếng Trung và Hán Việt vốn có nhiều từ giống nhau, khiến người dịch có khuynh hướng hay sử dụng cái có sẵn, nên câu văn mang vẻ cũ kỹ, tối nghĩa. Vấn đề này khó hơn, nếu có một ấn bản khác tôi sẽ cố gắng thêm.

Nhân dịp này tôi cũng không thể không nói lên rằng, ngoài những khó khăn gặp phải của một người dùng một thứ tiếng nghèo nàn để dịch một thứ tiếng phong phú hơn, tôi đã gặp phải quá nhiều đau khổ trong việc chế bản và chuyển đổi (đối với quyển này cũng như những quyển trước, vì cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được một chương trình soạn thảo văn bản nào đạt tiêu chuẩn, thật đáng buồn !), nếu không quyển sách này có thể đã ra đời trước đây sáu tháng hay một năm là ít.

Ngoài ra tôi cũng đã tự ý lược bỏ một số đoạn, không nhiều lắm, vì thấy có sự trùng lặp với các đoạn khác.

Tôi chỉ mong có nhiều người đọc được quyển sách dịch này, đó là một điều an ủi rất lớn cho cái thiện ý của tôi.

Paris - Bắc Kinh, 1966-1997
Nguyễn Hồi Thủ​






MỤC LỤC

Phần I: Các bài nói chuyện

Người Trung Quốc xấu xí
Người Trung Quốc và cái vại tương
Đời sống, văn học và lịch sử


Phần II: Các bài viết

Cái triết học bắt đầu bằng kính và sợ
Chỉ trừ tôi ra
Tại sao không thể mưu lợi?
Giữ mình là thượng sách
Loài động vật không biết cười
Nước có lễ nghĩa
Ba câu nói
Cả nước xếp hàng
Rút cuộc là cái nước gì?
Chẳng kể thị phi, chỉ biết chính đạo
Phố Tàu - một động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc
Nói chuyện về "người Trung Quốc xấu xí"
Kiêu ngạo hão
Noi gương tây phương nhưng không làm nô lệ
Kỳ thị chủng tộc
Lấy hổ thẹn làm vinh dự


Phần III: Các bài phê bình

Cái vại tương.
Làm sao sửa chữa cái bệnh
Năng lực suy luận bị trục trặc.
Nhảy ra khỏi hũ tương
Cần dấu cái ác, phô trương cái thiện.
Người Trung Quốc hèn hạ.
Không hiểu được hài hước.
Có cái văn hóa không có văn minh?
Không thể bôi nhọ văn hóa Trung Quốc
Văn hóa Trung Quốc: bôi nhọ hay đánh phấn
Người Trung Quốc vĩ đại








 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,150
Bài viết
63,370
Thành viên
86,048
Thành viên mới nhất
BLOCK ĐIỀU HÒA DANFOSS

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN