Các phương pháp nghiên cứu khoa học

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,064
12
38
Một người không được trang bị đầy đủ chi tiết về sự hiểu biết các phương pháp nghiên cứu khoa học cũng có thể tiến hành công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) được. Nhưng nếu người đó nắm vững những phương pháp NCKH khác nhau thì hiệu quả NCKH sẽ tốt hơn cho người NCKH có thể linh động áp dụng vào từng trường hợp cụ thể của quá trình nghiên cứu. Vả lại, một vấn đề đặt ra để nghiên cứu không hẳn và không thể chỉ áp dụng phương pháp này hay phương pháp nọ mà phải dùng nhiều phương pháp khác nhau. Hơn nữa trong công tác NCKH, phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm nên chúng bổ sung cho nhau.
Mỗi phương pháp đều có những cách khác nhau trong việc thu thập và sàng lọc dữ kiện. Những nhà nghiên cứu định lượng chẳng hạn thì chủ yếu là thu thập những dữ kiện và tìm hiểu mối liên quan giữa tập hợp những dữ kiện này với tập hợp những dự kiện kia. Họ cân đo, dùng những công cụ khoa học kỹ thuật để đưa ra những kết luận mang tính định lượng và tổng quát hóa nếu có thể được. Còn những nhà nghiên cứu định tính thì lại hướng về hoặc quan tâm đến nhận thức của những cá nhân về các sự kiện và hiện tượng trong thế giới. Họ đi tìm cái gì đã diễn ra trong nội tâm con người hơn là bảng phân tích thống kê, họ nghi ngờ không biết những sự kiện xã hội tồn tại hay không và tự hỏi xem phương pháp khoa học nào có thể được đem sử dụng khi giải quyết những vấn đề về con người. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp những nhà nghiên cứu định tính đã đưa ra những kết luận dựa vào những kỷ thuật định lượng, hoặc ngược lại.
Xếp loại phương pháp NCKH theo cách nào đi chăng nữa, định tính hay định lượng, quan sát, điều tra hay nghiên cứu tại hiện trường, không có nghĩa rằng người nghiên cứu phải thủ giữ mãi một phương pháp mình đã lựa chọn mà không thể sử dụng phương pháp khác thay thế nó. Như đã nói ở trên, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm. Vấn đề là phải lựa chọn phương pháp nào thích hợp nhất tùy theo tính chất của đề tài nghiên cứu và tùy theo loại thông tin đòi hỏi.
Thật khó để mà bên vực hay phê phán bất kỳ một phương pháp nào bằng sự trình bày chỉ trong một vài trang giấy. Sau đây là một số phương pháp NCKH thông dụng giúp các bạn có một số khái niệm căn bản được sử dụng trong công tác NCKH, và cũng mong các bạn tìm hiểu sâu sắc thêm về chúng qua các tài liệu tham khảo khác.

1. Phương pháp Nghiên cứu tại hiện trường (PPHT)
PPHT còn được gọi là phương pháp NCKH trong khi thi hành. Ví dụ: giáo viên đang dạy học bỗng nảy sinh ra một vấn đề nào đó khiến họ quan tâm rồi bắt tay vào công việc NCKH để giải quyết vấn đề đó.
Có nhiều định nghĩa về PPHT. Hai nhà giáo dục học Cohen và Manion đã mô tả PPHT như là “cách thức giải quyết một vấn đề cụ thể xảy ra trong một hoàn cảnh tức thời”. Đó là một quá trình giải quyết từng bước và liên tục trong những khoảng thời gian không nhất định và bằng những công cụ khác nhau (trả lời các câu hỏi, nhật ký, nghiên cứu tình huống,…). Kết quả phản hồi của cách giải quyết này sẽ dẫn đến những sự thay đổi, những điều chỉnh, ngành định nghĩa lại vấn đề được quan tâm để làm cho nó càng ngày càng rõ nét hơn.
Một khía cạnh quan trọng của PPHT là công việc xem xét vấn đề đặt ra không chấm dứt khi dự án kết thúc. Những người tham gia công việc xem xét vấn đề này tiếp tục ra soát lại, đánh giá lại để cải tiến cho được tốt hơn.
Hai nhà giáo dục Brown và Mcintyre cũng mô tả PPHT là “phương pháp mang tính liên tục được sử dụng vào công việc cải tiến đổi mới chương trình học tại các trường thuộc Tô Cách Lan”. Hai nhà giáo dục học vừa kể cho rằng những vấn đề nghiên cứu cần nảy sinh từ sự phân tích những sự kiện xảy ra trong thực tiễn đòi hỏi người trong cuộc phải tìm hiểu cặn kẽ và quan tâm đến chúng. Nhà nghiên cứu, ngay từ giai đoạn mới nhận thức được vấn đề, hình thành nên những nguyên tắc tổng quát mang tính chất suy đoán hoặc thăm dò có liên hệ ít nhiều đến vấn đề được quan tâm, rồi từ những nguyên tắc và những giả thiết ấy mà đưa ra những hành động có khả năng dẫn đến việc cải tiến vấn đề. Hành động đó được đem ra thể nghiệm và những dữ kiện được thu thập; những dữ kiện này được sử dụng để điều chỉnh lại giả thiết đặt ra lúc ban đầu, rồi lại đề xuất những hành động phù hợp hơn tiếp theo để điều chỉnh lại những nguyên tắc tổng quát đã đặt ra. Tiếp theo đó, người nghiên cứu lại tiếp tục thu thập tài liệu để từ đó đưa ra những giả thiết và nguyên tắc mới,…, và cứ như thế mà tiếp tục mãi mãi không ngừng để nhận thức vấn đề ngày càng sâu sắc hơn, rộng hơn.
PPHT mang tính chất thực tế và giải quyết vấn đề thực tiễn này trở nên lôi cuốn và hấp dẫn đối với các nhà NCKH vì nó giúp cho nhà NCKH nhận biết được những vấn đề phải quan tâm trong quá trình đang công tác và cảm thấy rất đáng được dành thì giờ để nghiên cứu và tìm hiểu chúng. Rất nhiều giáo viên có tâm huyết đã sử dụng PPHT để luôn luôn cải tiến công tác giảng dạy của mình.
PPHT này không chỉ giới hạn trong công tác giảng dạy của giáo viên. Nó còn được sử dụng trong bất kỳ trường hợp nào mỗi khi cần có sự cải tiến hoặc đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, hành chính… để gia tăng hiệu quả công việc. PPHT không hẳn chỉ là một phương pháp, một kỹ thuật mà là một cách tiếp cận giúp cho nhà NCKH luôn luôn tìm cách cải tiến công việc hàng ngày của mình cho ngày càng được tốt hơn.

2. Phương pháp nghiên cứu tình huống (NCTH)
NCTH đặc biệt thích hợp cho những nhà nghiên cứu độc lập muốn tìm hiểu một khía cạnh nào đó của vấn đề cần được quan tâm sâu sắc trong một thời gian đã định.
NCTH được mô tả như là một phương pháp trong đó người nghiên cứu tập trung tìm hiểu một vấn đề gì đó (ví dụ: vấn đề kỷ luật sinh viên trong trường, sinh viên học kém các môn khoa học Mác – Lênin, sinh viên bỏ học nhiều,…). Nó không phải chỉ là một câu chuyện kể lại hay một sự mô tả trạng thái nào đó về một vấn đề nào đó. Cũng giống như nhiều phương pháp nghiên cứu khác, NCTH cũng cần thu thập đầy đủ các dữ kiện một cách có hệ thống và tìm hiểu mối tương quan giữa các yếu tố với nhau. Sự quan sát và phỏng vấn là những cách thường được sử dụng trong NCTH, nhưng không hẳn chỉ sử dụng hai cách đó mà thôi mà loại bỏ những cách tìm hiểu thông tin khác. Cần phải lựa chọn cách thu thập dữ kiện thích hợp nhất cho công việc NCKH.
Thế mạnh của NCTH là nó cho phép người nghiên cứu tập trung vào một lĩnh vực hay một trạng thái đặc biệt nào đó, và phải xác định hoặc quan sát thấy những quá trình tương tác đang diễn ra giữa các yếu tố với nhau mà những quá trình này thường bị che lấp bởi các công trình điều tra quy mô lớn và có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại của các hệ thống hay tổ chức.
Các cuộc NCTH thường được tiến hành sau các cuộc điều tra quy lớn để bổ sung cho được đầy đủ hơn. Nó cũng có thể tiến hành trước khi bắt đầu cuộc điều tra để xác định những vấn đề cơ bản cần được quan tâm và tìm hiểu rõ hơn phần lớn các cuộc NCTH đã được thực hiện một cách tự do không lệ thuộc vào bất kỳ cuộc nghiên cứu nào cuộc nghiên cứu nào cả. Nhà nghiên cứu xác định một tình huống nào đó, ví dụ như đã đưa thêm một môn học mới vào các chương trình cho phù hợp với yêu cầu thực tế, hoặc là một sự cải tiến và phát triển tổ chức giáo dục - đào tạo, rồi quan sát nó, rồi tự đặt ra những câu hỏi và cuối cùng là bắt tay vào công tác nghiên cứu. Mỗi một tổ chức đều có những vấn đề chung của toàn thể và cũng có những vấn đề chung hay riêng đó và chứng minh chúng ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động chung của toàn thể hệ thống tổ chức.
NCTH thường chỉ do một người tiến hành một cách độc lập. Người nghiên cứu này lựa chọn tình huống cần nghiên cứu và quyết định những thông tin dữ kiện nào cần trình bày trong báo cáo tổng kết. Như vậy thì người nghiên cứu rất khó mà thu thập hết mọi loại thông tin dữ kiện cần thiết, điều này có thể sẽ dẫn đến những nhận định méo mó về vấn đề cần tìm hiểu. Cách cận NCTH đã gặp phải nhiều sự chỉ trích với lý do không thể nào tổng quát hóa một vấn đề chung dựa trên sự nghiên cứu những tình huống đơn lẻ. Những người phê bình nghi ngờ về giá trị của các cuộc NCTH này.
Mặc dù bị chỉ trích như trên, NCTH vẫn có chỗ đứng vì đã có nhiều công trình nghiên cứu NCTH được tiến hành và kết quả của các công trình nghiên cứu này đã đóng góp đáng kể vào kho tàng lý luận giáo dục trên thế giới. Nhiều nhà giáo dục đề cao cách tiếp cận NCTH cho rằng cái chính của NCTH không phải để khái quát hóa một vấn đề nào đó, mà là kết quả của NCTH có giúp ích gì cho việc cải thiện tình huống đó hay không. Nếu NCTH được tiến hành một cách có hệ thống, có phê phán nhằm mục đích làm thăng tiến giáo dục, cải thiện tình huống được tốt hơn, thông tin dữ kiện trình bày mang tình mở rộng kiến thức cho người đọc, thì đó là cách tiếp cận có giá trị cần được vận dụng trong công tác nghiên cứu để phát triển giáo dục.
Một công trình nghiên cứu tiếp cận theo NCTH thực sự thành công thì nó sẽ cống hiến cho người đọc một hình ảnh ba chiều được minh họa bởi những mối liên hệ giữa các yếu tố với nhau, và những ảnh hưởng về mặt kinh tế - chính trị - xã hội, và những ảnh hưởng đến chính tình huống được sự quan tâm của nhà nghiên cứu.

3. Phương pháp nghiên cứu các nhà dân tộc học (NCDTH)
Phương pháp NCDTH đã được các nhà nhân chủng học sử dụng để tìm hiểu thật sâu một xã hội, hay một vài khía cạnh của một xã hội, một nền văn hóa hay một cộng đồng người nào đó. Kiểu nghiên cứu này hoàn toàn dựa vào sự quan sát và trong một vài trường hợp, bằng cách sống hòa mình vào một phần hay hoàn toàn vào trong xã hội đó. Bằng cách này nhà nghiên cứu chia xẻ những kinh nghiệm với các đối tượng được nghiên cứu để tìm hiểu xem tại sao họ lại hành động như vậy. Sau này kiểu NCDTH không chỉ để dùng cho các nhà nhân chủng học mà còn để dùng vào việc nghiên cứu những nhóm xã hội nhỏ (ví dụ: nhóm học sinh lớp 12, nhóm sinh viên theo ngành ngoại thương, nhóm giảng viên dạy Nhật ngữ,…)
Là công tác nghiên cứu theo này mất nhiều thời gian và phải được sự chấp thuận của những cá nhân hay nhóm xã hội được nghiên cứu. Ngoài ra, người nghiên cứu còn phải chịu đựng sống “tam cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) trong một thời gian dài. Thời gian không chỉ là một yếu tố mà còn có tính tổng quát hóa những kết luận do công trình nghiên cứu đem lại. Cũng như trong trường hợp nghiên cứu tình huống kể trên, NCDTH cũng bị chỉ trích về tính phổ quát trong mọi trường hợp. Ví dụ: nhóm xã hội được nghiên cứu có thực sự là đại diện cho nhiều nhóm khác cùng loại hay không? Nhóm giảng viên anh văn của trường đại học Ngoại Thương cơ sở II có thực sự là đại diện cho những giáo viên anh văn của thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn? Tính tổng quát hóa của công trình nghiên cứu có thể là một vấn đề cần quan tâm, nhưng cái chính vẫn là tính liên hệ của công trình nghiên cứu với nhóm xã hội được nghiên cứu.

4. Điều tra nghiên cứu (NCĐT)
Điều tra còn được gọi là khảo sát. NCĐT có mục đích là thu thập thông tin để phân tích và so sánh. Điều tra dân số là một ví dụ điển hình về một công trình NCĐT. Trong NCĐT, nhiều câu hỏi giống nhau được dùng để hỏi nhóm người đã được lựa chọn. Trong điều tra dân số thì bao gồm 100% dân số cả nước. NCĐT ít tham vọng hơn nhiều, nghĩa là một số câu hỏi được soạn sẵn dùng để hỏi một nhóm người đại diện (gọi là mẫu dân số), rồi từ những kết quả thu được sẽ tổng quát hóa. Có nhiều vấn đề cần quan tâm trong cách NCĐT này. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm tính đại diện của mẫu dân số được lựa chọn để tiến hành công tác để nghiên cứu. Ví dụ, dân số của một vùng nào đó là 6.000 nam và 4.000 nữ thì mẫu dân số lựa chọn cũng phải theo đúng tỷ lệ này, nghĩa là 60 % nam và 40% nữ. Ví dụ này thật ra là quá đơn giản, chưa đủ để coi là đại diện được. Người nghiên cứu còn phải quan tâm đến mục đích của công tác nghiên cứu, nghĩa là nghiên cứu đặc trưng gì đó của nhóm dân số này (tính thích mua sắm? Mức độ tiêu thụ bia? Lo việc học hành cho con cái?...). Có làm như vậy thì mẫu dân số được lựa chọn mới bảo đảm được tính đại diện.
Trong công tác NCĐT, những người được hỏi phải trả lời cùng một loại câu hỏi giống nhau trong những hoàn cảnh giống nhau. Cách đặt câu hỏi phải hết sức thận trọng, đừng chủ quan cho rằng những câu hỏi soạn ra đều được mọi người hiểu giống nhau. Câu hỏi phải ngắn gọn, rõ ràng không thể được hiểu theo nhiều cách. Thông tin có thể được thu thập theo nhiều cách (câu hỏi tự điền vào ô trống, câu hỏi đánh dấu, bảng liệt kê thông qua người đi phỏng vấn…). Bất kể cách thu thập thông tin như thế nào, cái chính là phải lựa chọn, càng nhiều càng tốt và càng hay. Nếu toàn thể mọi người tham gia điều này sẽ giúp cho nhà nghiên cứu mô tả, so sánh, liên hệ với các đặc tính khác.
Công tác nghiên cứu theo kiểu NCĐT cung cấp các câu trả lời cho câu hỏi thuộc loại cung cấp thông tin như: Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Bằng cách nào? Trong điều kiện nào? Tới mức nào?
NCĐT chỉ giúp nhà nghiên cứu tìm kiếm sự kiện, rất khó tìm hiểu được nguyên nhân (nghĩa là đặt câu hỏi “tại sao?”). Một công trình NCĐT thu thập thông tin sẽ đạt kết quả tốt, vừa kinh tế, vừa nhanh nếu được chuẩn bị cẩn thận.

5. Nghiên cứu kiểu thực nghiệm (NCTN)
Muốn đo lường một tác động nào đó đối với sự vật, hiện tượng hay con người, một nhà nghiên cứu thường sử dung NCTN. Muốn vậy, nhà nghiên cứu phải thiết kế một cuộc thí nghiệm gồm 2 nhóm: nhóm thí nghiệm và nhóm đối chứng. Ví dụ như muốn biết tác động của kem đánh răng có chất Flour chống sâu răng như thế nào, nhà nghiên cứu dùng hai nhóm người, một nhóm người dùng kem đánh răng có chứa Fluor, nhóm kia thì dùng kem đánh răng thường. Cả hai nhóm này được chọn sao cho cùng lứa tuổi, cùng tỷ lệ giới tính nam và nữ, cùng một giai cấp xã hội… Mỗi nhóm sẽ được cho đi khám răng và được chỉ cho cách nên dùng loại kem đánh răng nào trước khi tiến hành thực nghiệm. Sau một năm, cả hai nhóm lại được cho đi khám răng lại. Kết luận của cuộc thử nghiệm này sẽ cho nhà nghiên cứu biết hiệu quả của kem đánh răng chứa chất Fluor và không chứa chất Fluor. NCTN như đã dẫn chứng trong ví dụ kể trên là quá đơn giản. Trong thực tế, hiện tượng bị sâu răng không hẳn chỉ là một yếu tố duy nhất là chất Fluor mà còn do nhiều yếu tố khác mà nhà nghiên cứu không thể kiểm soát hết được. Việc thiết kế một công trình NCTN để tìm hiểu những thay đổi trong hành vi ứng xử của con người còn phức tạp hơn nhiều vì những nguyên nhân mang tính xã hội rất là phức tạp. Bất kỳ một sự nhận xét nào về kết quả học tập kém cỏi của học sinh hay là về chỉ số thông minh (IQ – Intelligence Quotient) của một học sinh nào đó cũng phải thận trọng vì chúng là kết quả của rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhà giáo dục học Wilson đã lưu ý chúng ta rằng thời gian dùng trong công tác NCTN gia tăng đáng kể nếu chúng ta tách rời từng nguyên nhân ra để nghiên cứu độc lập, rằng mỗi lần tách riêng ra như thế thì không phải chỉ cần hai nhóm người, và rằng công việc nghiên cứu sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn vì những nguyên nhân của các hiện tượng xã hội rất đa dạng đòi hỏi phải có nhiều người tham gia vào công trình NCTN.
Những công trình NCTN trong lĩnh vực nhân văn và xã hội thường đòi hỏi phải có nhiều người tham gia và rất tốn kém đặc biệt là những công trình tìm hiểu nguyên nhân và kết quả. Tuy nhiên, NCTN đã tỏ ra có hiệu quả nếu muốn tìm hiểu một vài đặc tính nào đó (trí nhớ, sự nhanh trí…) bằng những bài trắc nghiệm ngắn hạn.

Vậy chúng ta nên chọn phương pháp tiếp cận nào?
Xếp loại các phương pháp tiếp cận theo 3 cách trên không có nghĩa rằng một khi đã chọn cách này thì không chọn các cách còn lại được nữa. Một khi đã biết tất cả 5 cách trên với những ưu và nhược điểm của chúng, nhà nghiên cứu có thể đem ứng dụng tổng hợp vào trong công tác NCKH của mình miễn là gặt hái được thành quả tốt nhất tuỳ theo nội dung và từng phần của đề tài nghiên cứu, tuỳ theo hoàn cảnh và những phương tiện sẵn có.
Cách trình bày 5 phương pháp tiếp cận trong phần này chỉ mang tính cách giới thiệu tóm lược mỗi phương pháp. Để có thể nắm vững và hiểu sâu sắc hơn, các bạn cần tham khảo thêm sách vở và tài liệu có sẵn trong thư viện tổng hợp của thành phố hay tại trường mình.
 

New Jobs

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,156
Bài viết
63,376
Thành viên
86,048
Thành viên mới nhất
BLOCK ĐIỀU HÒA DANFOSS

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN