Tím ngắt bằng lăng

Mr LNA

Administrator
1 Tháng mười một 2010
49,064
12
38
Dành cho các sỹ tử mùa thi nhé!


1.

Tháng sáu rón rén đặt bước chân qua cửa lớp. Lũ học trò cuối cấp đang mải mê với bài vở, thi cử, một hôm ngẩng lên và chợt ngỡ ngàng nhận ra mùa hạ đã đến tự lúc nào.

Sáng nay, Ngọc thấy không khí của mùa hạ đã tràn ngập và hiển hiện quanh mình rõ lắm rồi. Trên khoảng sân trường rực nắng, phượng nở cháy cả một góc trời. Hai dãy nhà B và C vắng tanh vì khối 10 và 11 đã được nghỉ hè, chỉ có dãy nhà A là vẫn còn học sinh 12 ôn thi cuối cấp. Cái không gian vắng lặng ấy càng làm cho màu đỏ của hoa phượng như mênh mang hơn. Trên bục giảng, tiếng thầy toán sang sảng là thế mà vẫn lẫn vào tiếng ve đang kêu ran cả sân trường. Mấy bữa trước, thầy hiệu trưởng vừa đề nghị cho phun thuốc sâu… diệt bớt ve là lũ học trò đã nhao nhao lên:

- Đừng mà thầy ơi, tội nghiệp tụi nó lắm thầy ơi!

Thầy hiệu trưởng nghiêm mặt:

- Nhưng cứ cái đà phải hét lên thật to mỗi khi giảng bài để át được tiếng ve như thế này thì chắc thầy cô mấy em đứt dây thanh quản hết quá!

Lũ học trò lại níu áo thầy nài nỉ:

- Tụi em sẽ mua đá chanh, mua bạc hà cho thầy cô ngậm mờ... Đừng giết ve thầy ơi, hổng có ve tụi em buồn lắm!

Thầy hiệu trưởng lắc lắc đầu cười hiền. Thiệt là chịu thua mấy đứa này. Bữa trước mới vừa than thở “Mỗi lần nghe ve kêu là tụi em lại nghĩ đến cảnh phải xa trường, xa bạn, buồn quá học hổng vô thầy ơi!”, bữa nay lại kêu “Không có ve buồn lắm thầy ơi!”... Thật là... không hiểu nổi!

Nhớ lại cảnh cả lớp 12 Anh của mình rồng rắn bám theo thầy hiệu trưởng xin thầy từ bỏ ý định… diệt ve, Ngọc mỉm cười một mình. Ừ, kể ra hè mà không có ve thì đâu phải là hè. Ngọc lôi mấy cuốn lưu bút trong ngăn bàn ra mân mê. Có năm cuốn cả thảy, của Tâm, Giao, Hạnh, Long, Hải. Đứa nào cũng ấn lưu bút vào tay Ngọc, ỉ ôi: “Viết cho tui thiệt hay đó nghe thi sĩ của lớp!”, kèm theo cái trợn mắt: “Viết lẹ lên để tui còn đưa cho mấy đứa khác viết nữa đó!”. Cái tụi này thiệt là, viết lưu bút mà làm y như đánh giặc không bằng, phải “đánh nhanh, thắng nhanh, tiêu diệt gọn”. Nhìn lưu bút là có thể đoán ngay ra chủ nhân của nó là ai. Cái cuốn vừa to, vừa dày này là của Tâm “voi”, còn cái cuốn be bé, xinh xinh màu hồng này là của Giao “hạt tiêu”. Một viên giấy bỗng từ đâu rơi vèo xuống trước mặt Ngọc. Mở ra, nét chữ tinh nghịch của Yến: “Sao, viết lưu bút cho hắn chưa?”. Ngọc quay xuống, ý nhị nhìn Yến lắc lắc đầu. “Hắn” ở đây là Long. Cuốn lưu bút của Long thật giản dị, chỉ là một cuốn sổ bìa da bình thường. Trang đầu tiên không có những lời tự bạch hoa lá cành mà chỉ có một bài thơ chép bằng mực tím, nét chữ bay bướm:

Một chiều bước chân đến lớp

Vô tình gặp đóa bằng lăng

Màu hoa như chờ như đợi

Bỗng nghe lòng thoáng bâng khuâng…

Chao ôi, hoa bằng lăng!


2.

Trường Ngọc trồng toàn phượng là phượng, chỉ có một cây bằng lăng duy nhất được xem là “của quý” của cả trường. Nghe nói khi trường mới thành lập, các khóa đầu tiên đã trồng xen kẽ bằng lăng với phượng. Nhưng chẳng hiểu sao mấy cây bằng lăng cứ còi cọc rồi lăn đùng ra chết hết, còn sót lại mỗi cây này. Mà điều kỳ lạ là bao năm nay nó chẳng thèm nở một bông hoa, tự dưng đến mùa hè này nụ bằng lăng bỗng từ đâu chi chít nhú ra dưới nách lá, rồi nở bung, tím ngát cả cây. “Sự kiện” bằng lăng nở làm cả trường xôn xao hẳn lên. Thầy cô nào ôm giáo án đi qua cây bằng lăng cũng chầm chậm bước chân một chút. Còn mấy đứa học sinh học bên dãy B,C hễ đến giờ ra chơi là lại chạy thục mạng qua dãy A, đứng dưới tán cây bằng lăng ngắm nghía cười hớn hở rồi thầm tiếc tại sao bên dãy mình không có một cây y chang như vậy. Chưa hết, một cuộc chiến giành quyền… sở hữu cây bằng lăng đã nổ ra giữa lớp 12 Anh và 12 Lý. Chả là dãy A có hai tầng, lớp Lý học dưới tầng trệt còn lớp Anh học ở trên lầu, ngay phía trên lớp Lý. Cây bằng lăng được trồng ở khoảng sân trước lớp Lý, nhưng tán lá của nó lại vươn cao, lòa xòa ngay trước ban công lớp Anh. Lớp 12 Lý chu mỏ:

- Cây bằng lăng này trồng trước lớp tui, vì vậy nó là của lớp tui!

Lớp Anh ra vẻ không thèm chấp, chỉ bĩu môi:

- Xí, cái đẹp chỉ thuộc về những người biết chiêm ngưỡng nó, chứ đâu phải là những kẻ sở hữu nó!

Nghe câu nói đó, lớp Lý đành ngậm đắng nuốt cay mà không làm gì được. Bởi đúng là cây bằng lăng được trồng trước lớp Lý thật, nhưng lớp Lý dẫu có ngước lên mỏi cả cổ thì cũng chỉ nhìn thấy toàn lá là lá chứ chẳng thấy hoa đâu. Muốn ngắm hoa với góc độ đẹp nhất, phải leo lên lầu, đứng ngay chỗ ban công lớp Anh. Bạn sẽ chẳng những được ngắm hoa mà còn được chạm vào hoa nữa. Vì vậy mà cứ đến giờ giải lao là các nữ sinh áo trắng lại ùa ra đó. Rồi biết bao lời ca tụng vẻ đẹp của hoa được tuôn ra, nào là: “đẹp… dã man”, “đẹp… dễ sợ”, “đẹp… ác nhơn”, “đẹp… kinh khủng”... Toàn là những từ không có trong từ điển. Lũ con trái thì ngồi vắt vẻo trên cửa sổ lớp, mắt đăm đắm nhìn ra ban công, không biết là đang ngắm hoa hay ngắm người nữa…

Không rõ là rồi cuối cùng, lớp nào chiếm được quyền sở hữu cây bằng lăng. Nhưng trong lớp 12 Anh, từ lâu đã có hai kẻ thầm coi cây bằng lăng là của-riêng -hai-đứa-mình. Đó là Ngọc và Long. Ngọc luôn tự hào rằng mình là người đã phát hiện ra những nụ hoa bằng lăng đầu tiên. Hôm đó, Ngọc ra đứng hóng mát ở ban công. Đang ngẩn ngơ nhìn trời xanh mây trắng, Ngọc bỗng phát hiện ra trong đám lá xanh thẫm lấp ló một đốm màu tim tím. Nhìn kỹ thì đó là một nụ bằng lăng bé xíu vừa hé ra những cánh đầu tiên. Không kiềm chế được sự sung sướng, Ngọc “Ồ!” lên một tiếng. Vừa lúc đó Long đi ngang qua, nghe tiếng Ngọc reo lên liền đứng lại. Ngọc không nói gì, nhưng theo ánh mắt vui mừng và tay chỉ của Ngọc, Long biết ngay điều gì đã khiến cô nàng thi sĩ lớp mình hạnh phúc đến thế. Hai đứa chạy vào lớp, hét toáng:

- Bằng lăng nở rồi, bằng lăng nở rồi!

Thế là bọn trong lớp ùa ra, chen nhau đứng chật ban công. Long và Ngọc, hai kẻ có công phát hiện ra sự kiện vĩ đại ấy cũng cố chen mà chen không nổi, đành đứng ngoài nhìn nhau, mắt lấp lánh niềm vui.

Kể từ hôm đó, sáng nào Ngọc đến lớp cũng thấy có một chiếc lá nằm trong ngăn bàn mình. Đó là một chiếc lá bằng lăng đã rụng khỏi cành, có màu đỏ úa rất đẹp, trên đó có ghi một bài thơ ngăn ngắn. Nhìn nét chữ, Ngọc biết ngay tác giả của nó là Long. Hai má Ngọc bỗng nóng bừng, và không cần quay xuống Ngọc cũng biết Long đang nhìn mình bằng ánh mắt trìu mến. Cứ như vậy hết sáng này đến sáng khác. Đôi lúc, Ngọc muốn nói một điều gì đó với Long, nhưng rồi lại thôi. Ngọc sợ những lời nói của mình, dẫu chỉ là một lời cảm ơn chân thành sẽ làm Long e ngại, mà Ngọc thì không muốn cái cảm giác êm đềm dịu ngọt mỗi khi đến lớp, lại có một chiếc lá bài thơ e ấp nằm đợi mình mất đi một chút nào cả. Chẳng hiểu sao Long cũng không nói gì với Ngọc…

Một bữa, Yến sà lại bên Ngọc, giọng tinh nghịch: “Ê nhỏ, dạo này có chuyện gì giấu tui phải không?”. Ngọc xấu hổ, lắc đầu. Yến liếc Ngọc một cái sắc lẻm: “Đừng có lấy vải thưa mà che mắt thánh nghe hông. Chuyện bà với thằng Long, tui biết hết rồi!”. Ngọc ngạc nhiên: “Sao Yến biết?”. Yến vênh mặt: “Thì đã bảo là không có chuyện gì qua nổi mắt tui mà!” rồi kề sát vào tai Ngọc thầm thì: “Tui bảo đảm là thằng Long kết mô-đen bà rùi đó!”. Ngọc lắc đầu quầy quậy: “Không có đâu, chắc Long chỉ xem Ngọc như một người bạn thôi, chứ Long có nói gì với Ngọc đâu!”. Yến ra vẻ hiểu biết: “Xì, bà không biết gì cả. Phải đến buổi học cuối cùng nó mới nói. Như vậy mới lãng mạn và ấn tượng chớ…”.


3.

Rồi buổi học cuối cùng cũng đến. Hôm đó, lũ học trò đến lớp bằng bước chân nặng trĩu nỗi buồn. Ngọc bước vào lớp, thấy cái không khí ồn ào náo nhiệt mọi ngày đã biến mất, thay vào đó là sự trầm lặng đến nao lòng. Lũ con gái túm tụm vào một góc, mặt buồn xo. Lũ con trai cũng không thèm xô bàn ghế đuổi bắt nhau ầm ĩ nữa mà ngồi dựa lưng vào tường, mắt nhìn xa xăm. Khởi kiếm ở đâu ra một cây đàn ghi ta mang vào lớp. Khởi ôm đàn, gảy lên những nốt đầu tiên của bài “Tình thơ”. Không ai bảo ai, cả lớp cất tiếng hát theo: “Hàng ghế đá xanh tàng cây góc sân trường. Hành lang ấy xa dần xa bước chân người…”. Đứa nào cũng hát như chưa bao giờ được hát. Từng kỷ niệm như cuốn phim chầm chậm quay ngược trong đầu. Bài hát kết thúc, tất cả đều im lặng. Bỗng Ý Như òa lên khóc, rồi tiếng thút thít lan dần khắp lớp. Lũ con trai bặm môi, cố gắng không khóc, vậy mà mắt cũng đỏ hoe. Thầy Sơn dạy Lý vừa xách cặp vào lớp, thấy học trò mình mặt mũi đứa nào cũng tèm lem liền đứng chựng lại, ngẩn ngơ không biết phải làm sao. Cả đám nhào đến ôm thầy, khóc rưng rức: “Thầy ơi, tụi em không muốn xa thầy, xa trường đâu!”. Mắt thầy tự dưng cũng cay cay. Xoa xoa đầu vài đứa, giọng thầy nghèn nghẹn:

- Yên nào, yên nào. Mấy đứa này... Cứ làm như thể cả đời này không bao giờ còn gặp nhau ấy!

Ngọc cũng khóc sưng cả mắt. Long lặng lẽ đến bên Ngọc, chìa cho Ngọc một mẩu khăn giấy, an ủi: “Nín đi Ngọc. Thầy nói phải, bọn mình còn nhiều cơ hội gặp lại nhau mà!”. Ngọc ngước lên nhìn Long, cố nở một nụ cười trong lúc mắt vẫn còn đỏ hoe. Đợi cơn xúc động của Ngọc đi qua, Long mới ngồi xuống bên Ngọc, giọng như gió thoảng:

- Tan học, Ngọc đợi Long cùng về, nhé?


4.

Lưu luyến mãi rồi cuối cùng cũng phải chia tay. Buổi học kết thúc. Khi ra về, đứa thì nắm lấy tay nhâu thật chặt, đứa thì nhặt một chiếc lá, một viên phấn, một hòn sỏi như cố giữ lại cho riêng mình một chút kỷ niệm về mái trường thân thương. Cả lớp về hết, sân trường vắng tanh chỉ còn mỗi Long và Ngọc dạo bước bên nhau. Cả hai đều im lặng. Để phá tan không gian yên ắng ấy, Ngọc quay sang hỏi Long:

- Long nè, sao Long không tặng Ngọc hoa bằng lăng mà lại tặng lá bằng lăng?

Long cười:

- Ngọc không biết sao, hoa bằng lăng chỉ đẹp khi còn ở trên cành. Nếu mình hái xuống, chỉ vài phút sau là hoa héo rũ ngay. Long biết, Ngọc cũng không thích nhìn thấy hoa héo úa đâu, đúng không?

Ngọc bẽn lẽn nhìn Long:

- Cảm ơn Long rất nhiều vì đã quan tâm đến Ngọc.

Long lại cười mà không nói gì. Hai đứa dừng lại dưới tán cây bằng lăng, ngồi xuống chiếc ghế đá dưới gốc cây. Câu chuyện lại tiếp tục:

- Ngọc nè, Ngọc tính thi trường nào?

- Ngọc thi báo chí, còn Long?

- Long thi công nghệ thông tin, nghe nói ngành nàykhó lắm. Long cũng lo!

Sự im lặng lại kéo dài. Long hết gãi đầu gãi tai lại bóp bóp hai bàn tay. Cuối cùng, Long bặm môi, hít một hơi thật dài như đang lấy hết can đảm để thốt lên một điều gì đó.

- Ngọc nè, Long muốn nói với Ngọc là…

Tim Ngọc bỗng đập thình thịch. Không lẽ điều Yến nói sắp trở thành sự thật sao? Ngọc biết làm gì bây giờ, nếu Long bày tỏ tình cảm với Ngọc? Ngọc biết, mình cũng rất mến Long. Nhưng Ngọc còn cả một kỳ thi phía trước…

- Ngọc à, Long muốn nói với Ngọc là…Long luôn cầu chúc cho Ngọc thành công trong kỳ thi sắp tới và luôn gặp nhiều may mắn.

Ngọc thở phào:

- Cảm ơn Long, Ngọc cũng cầu chúc cho Long như vậy.

Hai đứa rời ghế đá, tiếp tục dạo bước trên sân trường. Không ai nói gì, không phải vì bối rối nữa mà vì mỗi đứa đều đang theo đuổi một cảm xúc của riêng mình. Trong lòng Ngọc, vẫn có chút gì như luyến tiếc, hụt hẫng dấy lên: “Sao Long không nói ra điều đó nhỉ?”. Ngọc đâu biết rằng chính Long cũng đang thầm hỏi: “Tại sao, tại sao mình không có đủ can đảm để nói ra điều đó?”. Một câu hỏi lớn mà cả hai đều không trả lời được!

Nắng lại bừng lên trong buổi trưa tháng sáu, soi rõ bóng Long nghiêng nghiêng bên bóng Ngọc. Hai con người trẻ tuổi tiến dần về phía cổng trường, để lại sau lưng một khoảng trời tím ngát hoa bằng lăng. Những bông hoa - kẻ duy nhất hiểu được những bí mật trong tâm hồn họ đang rung rinh trong gió như vẫy chào…
:KSV@17::KSV@17::KSV@17:
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,129
Bài viết
63,349
Thành viên
86,047
Thành viên mới nhất
gnn

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN