Sinh viên Đại học: chưa quen cách học

Mr SieuPham

Moderator
23 Tháng mười một 2010
66
0
0
33
Ở bậc Đại học, nếu sinh viên không chủ động trong việc tiếp cận kiến thức thì sẽ lơ mơ kiểu đi học mà không biết gì. Từ thủ khoa thành... sinh viên trung bình! Đó là thực trạng mà nhiều sinh viên (SV) phải đối diện trong môi trường học tập ở ĐH.

Nhiều SV vào lớp ngủ trong khi Giáo viên say sưa giảng bài - Ảnh: N.T.N


Vào đại học, học kém hơn


Lê Đình H. - SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội vốn là học sinh giỏi trường THPT Hoằng Hóa 2, tỉnh Thanh Hóa. Kỳ thi ĐH năm 2008 Hưng đạt điểm tuyệt đối khối A (30/30 điểm) vào ĐH Bách khoa Hà Nội và trúng tuyển ĐH Y Hà Nội (28,5 điểm). Thế nhưng, tổng kết năm học thứ nhất ĐH, điểm trung bình của H. chỉ đạt trên 5 (theo thang điểm 10). H. cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do bản thân chưa biết cách sắp xếp việc học hành sao cho hợp lý.


Chị Tô Hồng Trang - Phó tổng giám đốc một đơn vị thường tặng máy tính cho các thủ khoa hằng năm - người theo dõi sát sao bước đi của các thủ khoa không khỏi bất ngờ: “Trước đây chúng tôi có đến thăm hỏi hoàn cảnh gia đình cũng như tìm hiểu phương pháp học tập của em và được biết H. học rất giỏi. Việc H. học sa sút khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên”.


Chưa quen cách học ĐH


Theo nhiều SV, sở dĩ có tình trạng này là do họ chưa thích ứng với môi trường học tập bậc ĐH. Phạm Cao Hoàng, SV năm 2 khoa Điện - Điện tử trường ĐH Bách khoa TP.HCM thừa nhận: “Nếu như chương trình học ở cấp 3 nhẹ nhàng, được thầy cô chỉ đến tận nơi thì lên ĐH, tụi em phải học mệt hơn nhiều. SV phải tự mình quyết định tất cả, nên không còn cách nào khác là phải cố gắng chăm chỉ”. Thanh Quý, SV năm thứ 3 khoa Báo chí trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Phải mất một thời gian rất lâu tụi em mới quen được cách học ở môi trường ĐH. Nếu SV không tự chủ động trong việc tiếp cận kiến thức ở bậc học này thì sẽ lơ mơ kiểu đi học mà không biết gì”.


Những trường hợp như H. không phải là hiếm. Lê Thị Ngọc Ánh, SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng công nhận: “Ở khóa em nhiều bạn học lớp Cử nhân tài năng có điểm thi đầu vào đứng trong tốp cao nhất nhưng lại có kết quả học tập thấp hơn hẳn so với một số bạn chỉ đạt 15, 16 điểm”.


Tiến sĩ Lê Quang Đức, giảng viên (GV) dạy môn Điều khiển tự động trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết anh buộc phải đánh rớt 98,6% SV trong một lớp chỉ vì SV quá lười học, làm bài thi yếu kém. Có 52/72 SV lớp này phải học lại sau 2 lần thi và 93% SV không có điểm chuyên cần.


Thạc sĩ Huỳnh Chức, Phó hiệu trưởng trường CĐ Tài nguyên Môi trường TP.HCM nhận định: “Có một số SV thi đầu vào ĐH nằm trong tốp điểm cao nhưng lại vĩnh viễn không tốt nghiệp do trả nợ môn học mãi không nổi. Ngay tại trường tôi, có khóa học 700 em thì chỉ tốt nghiệp được 316 em”. Tiến sĩ Lê Quang Đức còn khẳng định, nếu xét một cách thực chất thì mỗi lớp chỉ có khoảng 30% SV có thể tốt nghiệp.


Thực trạng đáng báo động


Tham gia một giờ học ngoại ngữ tại trường ĐH Văn Hiến TP.HCM vào một chiều cuối tháng 9, chúng tôi có dịp nhìn “cận cảnh” tinh thần học tập của SV. Trong khi GV giảng bài thì SV thoải mái nói chuyện. Thỉnh thoảng cô đặt câu hỏi thì nhận được câu trả lời: “Thưa cô em không biết”. GV hỏi: “Ở nhà em có soạn bài không?”, “Thưa, không”. “Vậy sau giờ học em làm gì?”, “Dạ em đi làm thêm, chơi và... ngủ”.


Ngọc Tâm - SV trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - bày tỏ: “Chuyện SV bỏ học, cúp tiết, nói chuyện trong giờ giảng, thậm chí... ngủ đã trở thành điều khá bình thường”.


Theo thạc sĩ Trịnh Văn Anh - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện tượng SV sa sút trong học tập đang diễn ra với chiều hướng rất đáng lo ngại. Tình trạng SV không đọc bài ở nhà, không đọc sách, không làm bài tập đã khiến giờ lên lớp của các bạn rất căng thẳng dẫn đến cúp tiết, học đối phó. Một giảng viên bức xúc: “Rất nhiều SV xách cặp đến lớp mà không hề làm bài tập ở nhà, chuẩn bị bài trước, đọc sách nghiên cứu... thì làm sao biết bài vở khó, dễ thế nào, thầy cô giảng hay, dở ra sao”.


Giảng viên chưa “truyền lửa”


SV học tập như thế còn giảng viên (GV) đã thực sự toàn tâm toàn ý với việc truyền đạt kiến thức cho SV chưa? Có dành thời gian để nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức, đổi mới phương pháp để bài giảng trên lớp được sâu hơn, lôi cuốn hơn?


Cô N.T.T - GV thỉnh giảng môn Kinh tế trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết: “Thời khóa biểu của mình dày đặc trong tuần, từ thứ hai đến chủ nhật. Đầu tuần dạy cho trường, xen vào các buổi chiều dạy cho các trường dân lập, tối dạy tại chức và cuối tuần đi dạy ở tỉnh”. Đặt vấn đề “chạy show” nhiều như thế thì thời gian nào nghỉ ngơi, tiếp thêm năng lượng, cô cười tâm sự: “Bây giờ còn trẻ, ráng làm. Các trường cũng mời nhiều, từ chối không được”.


Tiến sĩ Lê Quang Đức trăn trở: “Tôi cho rằng cách đào tạo trong môi trường ĐH ngày nay đã biến những SV năng nổ thành bị động, chưa kích hoạt được lòng mê say, tính chủ động của SV”.


Tiến sĩ Trần Hành - Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng nhìn nhận: “Số SV lười học, học kém là do GV chưa kích thích được tiềm năng sáng tạo cũng như sự ham thích học hỏi của SV. Ở nền giáo dục phát triển, đối với SV năm thứ nhất, nhà trường thường cử những giáo sư giỏi để truyền lửa, phương pháp học tập, tư tưởng mới để tạo niềm đam mê, sự hưng phấn cho SV. Cái này ở VN còn thiếu”.


Nhìn vào thực trạng dạy và học hiện nay, tiến sĩ Đồng Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học ĐH trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đưa ra các nguyên nhân: “Ở các trường ĐH-CĐ, do mỗi lớp học có quá đông SV nên sẽ hạn chế việc theo dõi, đánh giá quá trình học tập đối với từng SV. Tôi thấy GV và SV còn ít tham gia những lớp học về phương pháp giảng dạy hay kỹ năng học chủ động do chưa nhận thức đúng mức về vấn đề này”.



Theo (Giaoduc/TNO)
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,128
Bài viết
63,348
Thành viên
86,023
Thành viên mới nhất
linkwinvnn

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN