KT-XH Tình trạng 2 tỷ giá tái xuất trong ngân hàng

lovesuju2711

New member
14 Tháng mười một 2010
375
0
0
32



Bảng niêm yết giá bán - mua đôla của một số những ngày này hầu như không có nhiều tác dụng, bởi họ đang phải giao dịch với doanh nghiệp với giá cao hơn mức trần cho phép.

http://ebank.vnexpress.net/gl/ebank/thi-truong/2011/08/ty-gia-phat-tin-hieu-cang-thang/


Hôm 24/8, tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 10 đồng lên 20.628 đồng một đôla. Mức trần cho phép tại các ngân hàng thương mại, theo đó, cũng được đẩy lên 20.834 đồng.
Nhưng từ chiều 23/8, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận mua với giá 21.000 đồng, thấp chả đáng là bao so với giá chợ đen và khác hoàn toàn bảng niêm yết.
Giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM cho biết, hôm qua, công ty ông phải mua USD của một nhà băng với giá 21.000 đồng (trần là 20.834 đồng). Đến sáng hôm nay, mỗi USD đã lên 21.030 đồng. Khoản chênh lệch phát sinh, doanh nghiệp phải tính vào các loại phí (phí chuyển tiền, phí phạt...).
Nhiều nhà băng bán USD cao hơn giá niêm yết. Ảnh: Lệ Chi Theo ông, mức phí cao hay thấp còn tùy thuộc vào mối quan hệ với nhà băng. Hiện nay, việc mua USD không đến nỗi khó khăn, nhưng nếu là doanh nghiệp không có nhiều mối quen biết, mức phí sẽ bị đội lên cao hơn. "Với những trường hợp có nhu cầu cá biệt và không có quan hệ thân thiết với ngân hàng thì phải mua USD với mức phí lên đến hơn 1%", ông này nói.
Phó tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại Tân Tạo (TP HCM) than thở, sau thời gian dài giá USD ổn định, doanh nghiệp tưởng tránh được tình trạng hai tỷ giá trong ngân hàng. Nhưng thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chịu chênh lệch 0,6-1,5%, không biết đưa vào sổ sách như thế nào.
Giám đốc Kinh doanh một công ty vàng than thở dù là mối quen của ngân hàng nhưng cũng phải chấp nhận mua với giá 21.000 đồng để có đôla đi nhập vàng.
"Nhập vàng lúc giá cao, chưa kịp bán hết thì giá đã xuống thấp. Chúng tôi lại còn chịu nguy cơ lỗ kép nếu thời gian tới đôla tăng lên nữa, phải mua giá cao để trả nợ ngân hàng", ông nói.
Sáng nay, giá bán USD ngoài thị trường tự do TP HCM tiếp tục nhảy vọt, leo lên mức 21.100 đồng. Chiều thu gom cũng lên 20.950 đồng.
Tại Hà Nội, giá đôla tự cũng tăng mạnh và có sự chênh lệch đáng kể giữa các cửa hàng.
Một tiệm vàng, thu đổi ngoại tệ trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) đầu ngày báo giá mua bán là 20.970-21.020 đồng. Tuy nhiên, chỉ hơn 1 tiếng sau, khoảng 10h trưa, mỗi USD đã tăng mạnh, chạm 21.000 đồng chiều thu mua và 21.100 đồng chiều bán ra.
Một số điểm thu đổi khác tại phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) thông báo thu mua ở 21.030 đồng và bán ra 21.130 đồng, tăng 40 đồng chiều mua và 100 đồng bán ra so với hôm qua. Tại Hà Trung, đôla tự do giao dịch ở 21.000-21.030 đồng, tăng nhẹ 10 đồng chiều bán trong khi thu gom bằng giá hôm qua.
Giao dịch mua bán cũng nhiều hơn trước. Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ trên đường Nguyễn Huệ, quận 1 (TP HCM) cho biết, mở cửa sức mua hơi yếu, nhưng khoảng tầm trưa, khi giá USD tăng thêm vài chục đồng thì lượng người mua USD có dấu hiệu gia tăng. Tại Hà Nội, một chủ tiệm vàng tại Hà Trung cho hay, có rất nhiều người gọi đến hỏi giá giao dịch và tiến hành mua bán qua điện thoại trong hai ngày trở lại đây. Mọi hoạt động mua bán diễn ra bình thường, anh này chia sẻ.
Trước tình hình căng thẳng trên thị trường tự do, ngân hàng cũng phải chấp nhận mua vào với giá vượt trần. Nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng quốc doanh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chiều nay cho biết, giá thu mua USD với giá bán tương đương nhau, ở mức 20.834 đồng. Trong khi đó, một số điểm khác, cũng của ngân hàng này khẳng định chỉ thu gom với giá 20.760-20.780 đồng, và bán ra kịch trần 20.834 đồng.
Đại diện phòng mua bán ngoại tệ một ngân hàng lớn trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) cũng cho hay, hiện nay, nguồn cung không có để cung cấp tới "khách lạ", do đó, doanh nghiệp có nhu cầu cần gọi hỏi chi nhánh, tùy từng điểm báo giá. Với giá niêm yết trên hệ thống website là 20.830-20.834 đồng (mua vào - bán ra), đơn vị này vẫn không đủ nguồn cung cấp đến các doanh nghiệp. "Từ hai ngày nay, tình hình tỷ giá bắt đầu căng thẳng dữ dội", bà này cho biết.
Giá USD tăng cao, cùng với đó là tình trạng hai tỷ giá xuất hiện trong ngân hàng, bất chấp trước đó tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố nguồn cung ngoại tệ dồi dào, cán cân tổng thể của nền kinh tế có thể thặng dư 2,5-4,5 tỷ USD vào cuối năm. Ông cho biết từ tháng 4 tới nay cơ quan này đã hút được 6 tỷ USD từ thị trường để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và đủ để can thiệp thị trường khi cần thiết.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận tỷ giá có thể chịu sức ép nhất thời bởi diễn biến giá vàng, nhất là khi giá trong nước cao hơn nhiều so với thế giới kích thích thu cầu nhập khẩu vàng.
"Đã là nhập vàng thì nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng lên, nếu nhập vàng qua đường chính thức thì mất ngoại tệ theo con đường chính thức, còn nếu nhập lậu thì làm cho đôla chợ đen lên giá. Điều đó có nghĩa là cung cầu đôla Mỹ sẽ thay đổi theo hướng gây áp lực cho tỷ giá, sẽ gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay", ông nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, bên cạnh áp lực gom USD nhập vàng, thì những tháng đầu năm, do lãi suất đôla thấp hơn nhiều so với tiền đồng, đã xuất hiện vay đôla bán ra lấy tiền đồng kinh doanh, khiến tín dụng ngoại tệ tăng cao gấp nhiều lần tín dụng tiền đồng. Hiện tượng này khiến nguồn cung đôla những tháng đầu năm dồi dào, tỷ giá xuống thấp. Nhưng vào cuối năm các hợp đồng này đáo hạn, nhu cầu lại tăng lên, gây áp lực với tỷ giá. Hơn nữa, từ tháng Tám trở đi, nhu cầu USD để nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa tăng cao cũng là một nguyên nhân căng thẳng ngoại tệ.
"Một khi cầu tăng, khiến nguồn cung căng thẳng thì việc nhà băng bán USD không đúng niêm yết là điều tất yếu xảy ra", ông Doanh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu muốn đạt hiệu quả cao trong việc điều tiết thị trường và xóa tình trạng hai tỷ giá, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng nguồn USD dự trữ để can thiệp thị trường, kiềm chế sự mất giá của đồng Việt Nam. Tuy nhiên, đôi khi biện pháp này nó lại làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và gia tăng lạm phát. "Do đó, để tỷ giá USD/VND thực sự ổn định, trừ khi lạm phát được kiềm chế", ông Doanh nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại nhìn nhận, nếu tỷ giá căng thẳng phải là thời điểm cuối năm. Còn hiện nay, nhu cầu về USD chưa quá lớn đến mức các ngân hàng khan USD và bán giá vượt trần niêm yết. Theo ông Sơn, hiện nay việc vượt trần này chỉ có thể là số ít trường hợp vì những lý do nào đó.
Trao đổi với VnExpress.net trưa nay, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, nguồn USD tại các nhà băng trên đại bàn thành phố hiện vẫn khá tốt. Đồng thời, cơ quan này chưa phát hiện ra trường hợp ngân hàng nào vi phạm trong việc bán USD cao hơn giá niêm yết.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM sẽ tăng cường việc thanh, kiểm tra. "Nếu phát hiện nhà băng nào vi phạm trong việc mua bán USD không đúng giá niêm yết, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm khắc", ông Minh nhấn mạnh.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM cũng cho biết thêm, cơ quan này sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng khác để đi kiểm tra thị trường USD chợ đen nhằm tạo sự ổn định cho thị trường ngoại hối.
Lệ Chi - Tuệ Minh
vnexpress.net
 

Thống kê diễn đàn

Chủ đề
61,129
Bài viết
63,349
Thành viên
86,047
Thành viên mới nhất
gnn

VỀ CHÚNG TÔI

  • Sinhvienthamdinh.Com là diễn đàn đầu tiên và lớn nhất dành riêng cho cộng đồng nhân lực ngành thẩm định giá. Cổng thông tin được tạo ra nhằm tạo kênh kết nối tri thức cho tất cả các bạn đã và đang quan tâm đến ngành thẩm định giá. Các thông tin được tổng hợp với đầy đủ các mảng thuộc lĩnh vực thẩm định giá như: Thẩm định giá Bất động sản, thẩm định giá động sản, thẩm định giá máy móc thiết bị, thẩm định giá doanh nghiệp, thẩm định giá dự án đầu tư, thẩm định giá thương hiệu...
  • Với phương châm "Connet For Sharing" chúng tôi chia sẻ hoàn toàn miễn phí và không giới hạn những kiến thức từ cộng đồng diễn đàn.

DANH MỤC CHÍNH

CÁ NHÂN